Đưa hàng Việt vươn tầm thế giới
Hệ thống thương vụ và các tham tán ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, bước đầu có sự đổi mới theo hướng tập trung vào một số mặt hàng cụ thể có thế mạnh và giúp hàng Việt xuất ngoại nhiều hơn.
Theo Bộ Công thương, Việt Nam có 57 thương vụ và 7 chi nhánh thương vụ tại nước ngoài. Trong những năm qua, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã cơ bản thể hiện được sự chủ động, tích cực trong công tác nghiên cứu, tổng hợp tình hình thị trường, chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của nước sở tại, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước; đồng thời giúp Bộ Công thương đưa ra được định hướng phát triển thị trường, hỗ trợ triển khai hơn 500 hoạt động xúc tiến thương mại. Công tác xúc tiến thương mại đã bước đầu có sự đổi mới theo hướng tập trung vào một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh, giảm bớt các hoạt động chung chung.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia Lê Hoàng Thúy cho biết, thời gian qua, thương vụ luôn chủ động, tích cực lọc thông tin để theo dõi các động thái, chính sách của nước này, xây dựng website và fanpage nhằm kịp thời thông tin về Việt Nam. Thương vụ cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm “mở cửa” cho hàng nông sản Việt Nam vào Australia. Sau vải, thanh long, xoài, nếu nhãn và tôm tươi nguyên con được đưa vào xứ sở chuột túi sẽ góp phần to lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tới đây.
Tại Hội nghị tham tán thương mại 2018 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chỉ rõ, hệ thống thương vụ đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa doanh nhân người Việt ở nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, hướng các doanh nhân người Việt tham gia đưa hàng của Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có việc đưa trực tiếp vào các kênh phân phối hoặc vào các khu chợ, cửa hàng của người Việt.
Đánh giá cao vai trò của các tham tán và hệ thống thương vụ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường chia sẻ, năm 2017, xuất khẩu của ngành dệt may đạt 31,2 tỷ USD. Những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn tăng trưởng ấn tượng. Ông nhận định đây không phải là kết quả của riêng năm 2017 mà là nỗ lực liên tục hơn chục năm qua, nhờ sự đóng góp, hỗ trợ rất lớn từ các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Cần phối hợp hài hòa với doanh nghiệp
Bên cạnh nỗ lực và thành quả của các tham tán thương mại cũng như công tác thương vụ trong năm 2017, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đại diện phụ trách xuất nhập khẩu thuộc Tập đoàn SUNHOUSE cho biết, khi làm hồ sơ xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp không biết cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định nào để hàng hóa có thể được rời khỏi cảng. Doanh nghiệp mong muốn Bộ Công thương hỗ trợ bằng cách có các biểu thuế, danh sách quy định xuất khẩu hàng hóa cho từng thị trường có thể nắm bắt được tốt nhất.
Đại điện doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may kéo sợi tại Thái Bình chia sẻ nguyên liệu doanh nghiệp đang sử dụng được nhập khẩu 100%. Tuy nhiên, gian lận thương mại ngày càng phổ biến nên doanh nghiệp bị thiệt hại bởi nguyên liệu nhận được có chất lượng kém và không đúng thành phẩm như trong hợp đồng ký kết. Doanh nghiệp đề xuất các tham tán cũng như Bộ Công thương cung cấp thông tin đâu là đối tác tin cậy và có những biện pháp bảo vệ cho doanh nghiệp nước nhà.
Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng những sản phẩm gia dụng thực tế không chịu quá nhiều rào cản và khẳng định thuế nhập khẩu những sản phẩm này sang Trung Quốc hiện là 0%. Về đề xuất các tham tán gợi ý đối tác tin cậy cho doanh nghiệp, ông cho rằng dù có giới thiệu thì cũng chỉ mang tính chủ quan nên không có gì bảo đảm có thể làm việc với những đối tác đó lâu dài.
Vì vậy các doanh nghiệp trước hết hãy tạo ra một lớp bảo vệ cho riêng mình, chủ động thuê những nhà giám định hàng hóa trước khi nhập cảng để có thể xác định đúng chất lượng hàng hóa theo hợp đồng. Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của các tham tán là kết nối cung cầu, thương mại, nên đôi khi doanh nghiệp hiểu sai và mong muốn nhiều sự hỗ trợ nằm ngoài khả năng của các tham tán. Tuy nhiên, Bộ và các thương vụ tại các nước sẽ luôn đồng hành và tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thật thuận lợi.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, tham tán Việt Nam tại Thuỵ Sĩ Nguyễn Mạnh Quyền khuyến nghị nên tìm đến các đối tác nước ngoài nhiều hơn để mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, phải tạo dựng được thương hiệu và sử dụng hệ thống marketing, hệ thống logistic của các nước mà doanh nghiệp muốn đầu tư vào để hợp tác với nhiều thuận lợi về ngôn ngữ, địa bàn và tránh rủi ro nhiều nhất có thể.