Đưa “sở hữu cổ phần vượt giới hạn” vào khuôn khổ

(Tài chính) Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo “Thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng vượt giới hạn quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng” đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến đóng góp. Theo đó, dự thảo nêu rõ sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới gian quy định.

Đưa “sở hữu cổ phần vượt giới hạn” vào khuôn khổ
Sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới gian quy định. Nguồn: internet

Giải thích cho sự cần thiết phải ban hành quy định này, NHNN cho biết, mặc dù ngày 16/6/2010, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng mới thay thế Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2003, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011, trong đó quy định rõ về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại một tổ chức tín dụng cổ phần. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn hiện tượng một số cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần với số lượng lớn, vượt tỷ lệ theo quy định, thậm chí có khả năng chi phối hoạt động của tổ chức tín dụng.

Cụ thể, theo NHNN, hiện có 5/33 ngân hàng thương mại cổ phần có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ; 5/33 ngân hàng thương mại cổ phần là tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ; và 8/33 ngân hàng thương mại cổ phần có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ. NHNN cũng cho biết, qua kết quả thanh tra cho thấy, ở không ít ngân hàng thương mại cổ phần cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu cổ phần dẫn đến thao túng, chi phối ngân hàng, phục vụ cho lợi ích của cổ đông lớn, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch hoặc quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật.

Từ thực tiễn nêu trên, NHNN cho biết, việc ban hành Thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ theo quy định là cần thiết. Theo đó, cơ quan này cho hay, để xử lý các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định phát sinh trước ngày Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, dự thảo đã quy định: tổ chức tín dụng phải có kế hoạch xử lý dứt điểm các trường hợp cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng chậm nhất trước ngày 31/3/2015, trừ các trường hợp thực hiện theo phương án tái cơ cấu tổ chức tín dụng đó đã được NHNN hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng phải phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định có văn bản báo cáo NHNN (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính mà không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng) kế hoạch xử lý việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn theo các nội dung sau: danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và số cổ phần, tỷ lệ cổ phần trên vốn điều lệ hiện đang sở hữu tại tổ chức tín dụng, trong đó nêu rõ số lượng/tỷ lệ cổ phần trên vốn điều lệ nhận ủy thác hoặc đứng tên hộ của cá nhân, tổ chức khác; số lượng/tỷ lệ cổ phần trên vốn điều lệ ủy thác hoặc nhờ đứng tên hộ cho cá nhân, tổ chức khác; quan hệ giữa bên nhận ủy thác và bên ủy thác, giữa bên đứng tên hộ và bên nhờ đứng tên hộ.

“Quá thời hạn 31/12/2014 hoặc thời hạn được nêu trong phương án tái cơ cấu đã được NHNN hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu chưa đảm bảo việc sở hữu cổ phần trong giới hạn theo quy định, các tổ chức, cá nhân có liên quan bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật” - dự thảo Thông tư nêu rõ. Đồng thời, cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó cũng phải chuyển nhượng cổ phần cho NHNN hoặc tổ chức tín dụng do NHNN chỉ định; cổ đông, cổ đông và người có liên quan không được quyền biểu quyết đối với số cổ phần sở hữu vượt tỷ lệ quy định, không được đề cử, ứng cử làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng bầu bổ sung hoặc bầu nhiệm kỳ mới trong thời gian còn sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ.

Dự thảo cũng nêu rõ, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng mới cho cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó đang sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng vượt giới hạn quy định của pháp luật. Trường hợp cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn đang có dư nợ tín dụng tại tổ chức tín dụng mà mình đang là cổ đông, thì tổ chức tín dụng đó phải có biện pháp để sớm thu hồi toàn bộ dư nợ các khoản tín dụng của các đối tượng này chưa thanh toán.

Riêng với trường hợp phát sinh sau ngày Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, dự thảo cho biết, bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật thì cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó còn phải bị xử lý số cổ phần sở hữu vượt giới hạn quy định trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính. Quá thời hạn này, nếu chưa đảm bảo việc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng trong giới hạn quy định của pháp luật, cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý như đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn phát sinh trước ngày Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực.

Dự thảo thông tư cũng đưa ra các biện pháp để tổ chức tín dụng, cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó xử lý việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định. Theo đó, tổ chức tín dụng có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc phát hành thêm cổ phiếu mới ra công chúng. Cổ đông, cổ đông và người có liên quan trong thời gian sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng vượt giới hạn quy định không được thực hiện mua cổ phần do tổ chức tín dụng đó phát hành thêm.

Bên cạnh đó, cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó có thể xử lý số cổ phần sở hữu vượt giới hạn quy định của pháp luật thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư khác hoặc phải chuyển nhượng cổ phần theo chỉ đạo của NHNN. Tổ chức tín dụng cũng có thể mua lại số cổ phần sở hữu vượt giới hạn của cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó để làm cổ phiếu Quỹ theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định sau khi mua số cổ phần này.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng cũng có thể sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác hoặc thực hiện tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN hoặc thực hiện các biện pháp xử lý khác phù hợp với quy định của pháp luật. Để đảm bảo các cổ đông, tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng khi chuyển nhượng cổ phần, dự thảo thông tư nêu rõ: Việc chuyển nhượng cổ phần đối với cổ đông lớn, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại phải được NHNN chấp thuận và thực hiện theo quy định của NHNN.

Nguyên tắc chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế cổ phần cũng được áp dụng tương tự. Theo đó, việc cho, tặng cổ phần phải đảm bảo quy định của pháp luật về giới hạn sở hữu cổ phần. Trường hợp sau khi nhận cổ phần thừa kế dẫn đến cổ đông hoặc cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó phải có trách nhiệm xử lý số cổ phần vượt giới hạn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày tiếp nhận số cổ phần được thừa kế nêu trên. Đồng thời, có trách nhiệm thông báo cho tổ chức tín dụng chậm nhất 30 ngày trước khi thực hiện việc cho, tặng cổ phần của tổ chức tín dụng.

                                                    Tuấn Anh - Bài đăng Thông tin Tài chính số 14 kỳ 2 tháng 7/2014