Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt:
Dùng chính sách thuế để thay đổi hành vi tiêu dùng
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nước giải khát có đường sẽ góp phần quan trọng giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng, từ đó bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11/7.
Mở rộng đối tượng chịu thuế
Tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024), dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo lộ trình, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai Luật này tại Kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5/2025).
Từ năm 2008 đến nay, Luật Thuế TTĐB đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung và đã đạt được các kết quả quan trọng, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế-xã hội. Theo đó, không chỉ xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia, ô tô để điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế, thuế TTĐB thời gian qua còn góp phần ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý cho NSNN theo hướng bền vững…
Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách thuế TTĐB cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế TTĐB nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu, đổi mới các nội dung, tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế TTĐB và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật có liên quan…
Cụ thể, về đối tượng chịu thuế, Luật Thuế TTĐB hiện hành quy định 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ chịu thuế TTĐB. Để mở rộng cơ sở thuế, đồng bộ với pháp luật chuyên ngành và luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật, Bộ Tài chính đề xuất, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB bao gồm: thuốc lá theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (thuốc lá điếu xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm); rượu theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (gồm các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm).
Đáng chú ý, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao... Tại Tờ trình dự thảo luật, Bộ Tài chính nêu rõ việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.
Thay đổi hành vi tiêu dùng
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho rằng, các mục tiêu về bảo vệ sức khỏe người dân là dài hạn, không thể nói ăn uống hôm nay mà ngay ngày mai ảnh hưởng tới sức khỏe ngay được. Do đó, việc thực hiện các chính sách thuế để thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân là tầm nhìn dài hạn, để bảo vệ sức khỏe không chỉ cho người dân hôm nay mà con thế hệ mai sau.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó có đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng, nhờ đó nhiều ngành hàng đã giảm lượng đường tiêu thụ trong sản phẩm. Tuy nhiên, là nước đang phát triển, ý thức của người dân chưa cao, nên cùng với tuyên truyền, thì tăng thuế để tăng giá bán sản phẩm là một giải pháp thiết thực và hiệu quả. Hơn nữa, ngưỡng để tính thuế với sản phẩm đồ uống có đường cũng là 5g/100ml, nên các doanh nghiệp cũng chỉ cần thay đổi công nghệ và điều chỉnh giảm lượng đường trong sản phẩm một chút là đã đảm bảo yêu cầu, sản phẩm không bị tính thuế, nếu không thì phải chấp nhận bị tính thuế.
“Một số nước không áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường, song bối cảnh và tình hình ở mỗi nước khác nhau. Ở Việt Nam, chúng ta đã và đang thực hiện các giải pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, thực hiện các chính sách thuế để thay đổi hành vi tiêu dùng là một trong nhiều các giải pháp”, bà Trương Tuyết Mai chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Tổng hội Y học Việt Nam) cũng cho rằng, chúng ta phát triển kinh tế nhưng cũng cần cân bằng các mục tiêu về sức khoẻ, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững.
“Việc áp thuế với nước giải khát có đường đã được đặt ra từ năm 2014, tuy nhiên thời điểm đó chưa có đủ các bằng chứng khoa học, các nghiên cứu và đánh giá tác động đầy đủ nên chưa đưa vào Luật Thuế TTĐB. Đến nay, khi các cơ sở đã đủ, cơ quan soạn thảo đã đưa ra đề xuất này”, ông Nguyễn Huy Quang cho biết.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) chia sẻ, so với các nước thì mức thuế TTĐB nói chung hiện nay của Việt Nam không phải là cao. Thậm chí, nếu so với tổng thu NSNN, thì thuế TTĐB có xu hướng giảm nhẹ, chỉ đóng góp trong tổng thu cân đối NSNN từ 6,5-7 %.
Liên quan đến tác động của thuế TTĐB với các bên liên quan, ông Cường lưu ý rằng, chính sách thuế cần được phân tích trên góc độ cân bằng tổng thể với nhiều bên, bao gồm cả thị trường, tác động kinh tế (thu NSNN, doanh nghiệp, lao động…), bối cảnh áp dụng. Ngoài tăng thu NSNN, mục tiêu điều chỉnh thuế TTĐB còn để có thêm nguồn lực bù đắp lại cho chi tiêu trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến tại hội thảo để ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi).