Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt mang lại lợi ích cho sức khỏe cộng đồng

Thùy Linh

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, Bộ Tài chính đã bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Các nước đã dần bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các nước đã dần bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhiều quốc gia đã áp dụng

Theo Bộ Tài chính, việc này nhằm thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam; kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay xu thế chung về cải cách thuế TTĐB ở nhiều quốc gia trên thế giới là mở rộng cơ sở tính thuế nhằm hạn chế việc tiêu dùng một số loại hàng hóa có hại cho sức khỏe cộng đồng, trẻ em, môi trường hoặc nhà nước cần có sự điều tiết về tiêu dùng, bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB (như nước giải khát có ga và có đường).

WHO đã từng khuyến nghị chính phủ các nước hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua việc đánh thuế vào nước giải khát có đường, để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Hiện có khoảng 85 quốc gia áp thuế này, tăng gần 6 lần so với cách đây 10 năm.

Việc áp thuế mang lại hiệu quả giảm tiêu thụ đường. Như tại Mexico, sau 2 năm áp dụng, các hộ gia đình đã giảm 12% mua đồ uống có đường, tăng thu thuế thêm 2,6 tỷ USD. Trong ASEAN, có 6 trên 10 nước gồm Thái Lan, Phillippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar đã thu thuế TTĐB với nước giải khát có đường.

Góp phần định hướng tiêu dùng

Do đây là mặt hàng mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế nên Bộ Tài chính đề xuất mức thuế 10%. Bộ Tài chính nhận định, giải pháp này sẽ làm tăng giá các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường cao, định hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế hoặc nước giải khát ít đường.

Cùng với đó, khi thực hiện áp thuế 10% với mặt hàng này, số thu ngân sách nhà nước tăng năm đầu tiên do đây là đối tượng chịu thuế TTĐB mới bổ sung (trên cơ sở doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng từ sản phẩm nước giải khát sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, không phân biệt theo hàm lượng đường). Với giả định tỷ trọng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml chiếm 80% tổng doanh thu nước giải khát, nếu việc áp thuế TTĐB theo phương án đề xuất 10% sẽ làm giảm sản lượng tiêu thụ 20% thì số thu thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường trên 5g/100ml khoảng 2.400 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, số thu các năm sau năm đầu tiên sẽ giảm hơn so với năm đầu,
do tác dụng của mục tiêu đánh thuế nước giải khát có đường để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (sử dụng ít đi) và nhà sản xuất (chuyển đổi công thức, sản xuất sản phẩm có hàm lượng đường dưới ngưỡng đánh thuế TTĐB).

Đối với doanh nghiệp, việc áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm nước giải khát có đường có hàm lượng đường trên 5g/100ml sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi thành phần, công thức sản xuất nước giải khát, giảm tỷ lệ đường trong sản phẩm để không chịu thuế TTĐB. Từ đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, biên cạnh các tác động tích cực nêu trên, việc thực hiện đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ làm tăng giá bán, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Do đó, có thể ảnh hưởng giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, việc tăng 10% giá nước giải khát có đường thông qua thuế có thể dẫn đến giảm khoảng 10% tiêu thụ nước giải khát có đường. Do đó, việc tăng thuế và giá sẽ góp phần giảm sâu răng, béo phì, tiểu đường và giúp làm giảm bớt tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam:

Tại Việt Nam, tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây, từ khoảng 35 lít/người vào năm 2013, đã lên tới 52 lít/người vào năm 2020. Đồng thời, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010, lên 19% năm 2020; ở khu vực thành thị, con số này đã lên tới gần 27%. Ở người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân béo phì đã tăng thêm khoảng 1/3 trong 6 năm qua - từ khoảng 15% năm 2015 lên hơn 19% năm 2021.

WHO khuyến nghị Chính phủ và Quốc hội Việt Nam áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường ở mức đủ cao để giảm tiêu thụ với mặt hàng này, qua đó sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp thuế với các loại đồ uống này để làm giá tăng lên 10%, sẽ dẫn đến mức giảm tiêu thụ trung bình khoảng 11%.