Đường cong lãi suất - tín hiệu tích cực

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Các chuyên gia đánh giá, năm 2014 kinh tế vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương và giải pháp điều hành của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn các năm trước, dự kiến cả năm sẽ vượt mục tiêu 5,8% và đến nay đã ở mức 5,93%. Một trong những nhân tố tạo chuyển biến tích cực là nỗ lực tháo gỡ ách tắc tín dụng, trong đó việc giảm lãi suất cho vay đã tác động tốt đến tăng trưởng tín dụng.

Đường cong lãi suất - tín hiệu tích cực
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đường cong lãi suất là thuật ngữ để diễn tả cơ cấu tín dụng theo xu hướng tích cực. Bởi lẽ trong hoạt động tín dụng, có nhiều đối tượng khách hàng có nhu cầu vốn với những mức độ ưu tiên khác nhau cho nên mức lãi suất cũng khác nhau. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn khả dụng để cho vay cũng được huy động từ nhiều nguồn khác nhau với những kỳ hạn khác nhau. Vì thế, ngân hàng nào tính toán tốt, tạo ra đường cong lãi suất hợp lý thì sẽ tối ưu hóa được lợi nhuận đồng thời thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Đường cong này được hình thành phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chủ quan - tức là ý chí của các ngân hàng thương mại chỉ đóng vai trò thứ yếu. Yếu tố quan trọng nhất là chính sách điều hành lãi suất của nhà điều hành.

Thực tế cho thấy trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp tín dụng linh hoạt gắn kết với các chính sách tín dụng ưu tiên để hỗ trợ các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng có hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn với lãi suất hạ khá nhiều so với mấy năm trước. Đến nay mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 2% so với năm ngoái và giảm từ 30% đến 50% so với cách đây 3 năm. Lãi suất huy động cũng giảm  từ 1,5 - 2%/năm so với cuối năm ngoái. Đây là một nhân tố tích cực tác động đến quyết định lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại.

Một yếu tố khác cũng tác động tích cực đến việc hình thành đường cong lãi suất là việc giảm lãi các khoản vay cũ. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các ngân hàng tích cực điều chỉnh giảm; dư nợ cho vay bằng tiền Việt có lãi suất trên 15%/năm chỉ còn chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ, giảm so với tỷ trọng 6,3% của cuối năm ngoái; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 10,65%, trong khi cuối năm 2013 chỉ số này là 19,72%. Đường cong lãi suất hình thành rõ nét, qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại huy động được nguồn vốn kỳ hạn dài và ổn định hơn, có điều kiện pha loãng kỳ hạn giữa huy động và cho vay, tạo nên hiệu quả tối ưu về sử dụng đồng vốn. Đường cong lãi suất cũng giúp giảm chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ trong bảng cân đối của các ngân hàng, giúp cho việc phân bổ vốn hiệu quả trong nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng năm 2014 dự kiến đạt chỉ tiêu định hướng là từ 12 - 14% bất chấp nhiều khó khăn; đến ngày 19.12 tín dụng đã tăng 11,8%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn, sức cầu của nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Vì thế, vẫn rất cần những nỗ lực điều hành để đường cong lãi suất trở nên rõ nét hơn, uyển chuyển hơn, giúp việc sử dụng đồng vốn trong nền kinh tế đạt hiệu quả cao hơn.