Đường dây đánh bạc nghìn tỷ: Nhà mạng hưởng lợi bao nhiêu?
Để tham gia chơi các game bài trên mạng, người chơi phải nạp tiền bằng thẻ điện thoại của 3 nhà mạng lớn là Vinaphone, Mobiphone và Viettel hoặc tin nhắn qua các đầu số dịch vụ. Có thể nói, thẻ điện thoại là “đồng tiền” trung gian giữa người chơi và cổng game trực tuyến, vậy nhà mạng hưởng lợi bao nhiêu tiền bằng việc cung cấp cổng thanh toán cho game bài?
Hiện nay, các trò chơi “game ảo tiền thật” hay cờ bạc “trá hình” (game bài) xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng Internet thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Điều này không những trái với quy định pháp luật mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những hệ lụy khôn lường cho xã hội.
Điển hình, ngày 25/5/2017, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn trình báo từ bà Võ Minh Phương (ở phường Nông Trang, TP Việt Trì) về việc ngày 16/5/2017, bà Phương bị một đối tượng sử dụng nick facebook để lừa đảo, chiếm đoạt 110 thẻ cào điện thoại trị giá 55 triệu đồng. Đến ngày 26/7/2017 xác minh, bắt giữ đối tượng Lê Văn Huy (SN 1997, ở tỉnh Quảng Trị) là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Phương. Huy khai nhận, sau khi chiếm đoạt tài sản của bà Phương, Huy đổi thành tiền ảo của đại lý Lê Anh Dũng (ở TP Đà Nẵng) để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip.
Từ vụ lừa đảo trên, Công an Phú Thọ đã bóc gỡ đường dây cờ bạc qua mạng nghìn tỷ núp dưới vỏ bọc game bài liên quan đến vị Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Nguyễn Thanh Hóa.
Sở dĩ các cổng game bài trực tuyến tồn tại và câu kéo được nhiều người tham gia đó là nhờ sự “luồn lách” “trá hình” cá cược cờ bạc bằng đổi thưởng. Để tham gia chơi các trò chơi cờ bạc trên mạng, người chơi phải nạp tiền bằng thẻ điện thoại của 3 nhà mạng lớn là Vinaphone, Mobifone và Viettel hoặc tin nhắn qua các đầu số dịch vụ (9029; 8798). Có thể nói thẻ điện thoại là “đồng tiền” trung gian giữa người chơi và cổng game trực tuyến. Câu hỏi đặt ra: Không có nhà mạng làm trung gian thanh toán thì cờ bạc trá hình game bài Rikvip có tồn tại được không?
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, tất cả các mã thẻ điện thoại khi người chơi nạp vào cổng game bất kỳ đều được chuyển thẳng về các nhà mạng, sau đó, hằng tháng nhà mạng sẽ “cắt” lại phần trăm cho cổng đăng ký thanh toán của các công ty phát triển game, tuỳ theo thoả thuận hợp đồng. Nhưng, được biết có nhà mạng “cắt phế” lên tới 60% tổng giá trị thẻ nạp và tin nhắn về đầu số dịch vụ; công ty phát triển, thanh toán cho game chỉ được nhận 40%.
Rikvip hướng dẫn người chơi cách nạp tiền vào tài khoản và nhắn tin tới các đầu số dịch vụ của các nhà mạng.
Đáng chú ý, khi đăng nhập tài khoản vào cổng game Rikvip, hệ thống game này sẽ hướng dẫn người chơi cách nạp thẻ, nhắn tin theo cú pháp với số tiền tương ứng nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, hệ thống game cũng đưa ra cảnh báo “do nhà mạng thu 55% trị giá tin nhắn nên giá trị VIP nhận được sẽ là 45% giá trị tin nhắn”.
Như vậy có thể hiểu, game Rikvip thu 2.700 tỷ chỉ tương đương phân nửa số tiền mà người chơi đã “đốt” vào các loại game cờ bạc trên hệ thống này, còn lại vào túi các nhà mạng?
Nhà mạng có vô can?
Thu số tiền lớn từ việc cung cấp dịch vụ thanh toán cho game bài, vậy nhà mạng có trách nhiệm gì trong trường hợp các công ty đăng ký thanh toán (công ty trung gian thanh toán cho game bài) và các công ty phát triển game bài vi phạm pháp luật? Nhà mạng đã ăn chia thế nào với công ty trung gian thanh toán cho game bài Rikvip (đường dây đánh bạc trá hình dưới dạng game bài liên quan đến tướng công an)? Những câu hỏi trên đã được Tiền Phong gửi tới 3 nhà mạng Viettel, Mobifone và Vinaphone.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một nhà mạng khẳng định, họ không ký hợp đồng trực tiếp với game bài Rikvip hay bất kỳ game bài nào. Nhưng họ có hợp tác một số nội dung với Công ty Giải trí số - đơn vị trung gian thanh toán cho Rikvip và đã có biện pháp xử lý triệt để ngay sau khi nhận được văn bản của Công an Phú Thọ. Quá trình hợp tác, họ cũng không biết đơn vị này thanh toán cho game cờ bạc.
Trả lời câu hỏi của PV về phần trách nhiệm của nhà mạng trong vụ việc, đại diện nhà mạng này cho biết, nhà mạng khi ký hợp tác với công ty trung gian thanh toán thì nhà mạng chỉ cung cấp giải pháp tiện ích cho thuê bao di động có thể sử dụng thẻ cào để nạp vào thẻ game và tất nhiên game đó phải được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền. Còn trong trường hợp công ty trung gian không nạp vào các game được cấp phép theo danh sách đăng ký mà “lái” sang các game khác thì đó là trách nhiệm của đối tác, nhà mạng không có trách nhiệm và không đủ công cụ để kiểm soát việc này. Trách nhiệm phát hiện có phải cờ bạc trá hình hay không thuộc cơ quan công an.
Từ chối trả lời câu hỏi về tỷ lệ ăn chia giữa nhà mạng và công ty đăng ký thanh toán cho game online, song nhà mạng này thừa nhận: “Sau khi khách hàng nạp thẻ vào game thì tiền đó chảy về nhà mạng, nhà mạng thu vì thẻ cào do nhà mạng phát hành. Đến cuối tháng, hai bên sẽ đối soát, đối tác phải liệt kê ra mã thẻ đó được nạp vào game nào và dùng bao nhiêu? Sau khi đối chiếu khớp, nhà mạng sẽ thanh toán theo đúng tỷ lệ hợp tác kinh doanh. Quy trình và trình tự là như vậy” - đại diện nhà mạng này thông tin.
Thẻ cào của các nhà mạng, một phương tiện bị lợi dụng để nạp tiền chơi cờ bạc trá hình qua mạng, có thể mua dễ dàng ở khắp mọi nơi . Ảnh: Hồng Vĩnh.
“Có nghĩa là, cái thẻ này nạp cho game nào thì đối tác phải chịu trách nhiệm về việc đó. Còn việc họ làm đúng hay sai thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cũng giống như một đơn vị cho thuê văn phòng, người thuê làm gì trong văn phòng đó thì người thuê phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, chứ không thể nói chủ nhà có trách nhiệm được. Nhà mạng chỉ cung cấp kênh để nạp tiền vào tài khoản game thôi, đến đó là kết thúc vai trò. Còn việc khách hàng chơi bài, đổi thưởng ra, lấy tiền ra thì nhà mạng không chịu trách nhiệm” – đại diện nhà mạng lý giải.
Còn về tin nhắn dịch vụ tới đầu số ngắn thì nhà mạng khẳng định không liên quan vì đầu số dịch vụ do Cục viễn thông cấp phép, nhà mạng buộc phải kết nối. “Nhà mạng không quan tâm người chơi nạp bao nhiêu tiền, mà chỉ cần biết đầu số XXXX đấy phí dịch vụ là 1.000 đồng/tin nhắn thì nhà mạng thu 1.000 đồng” - vị đại diện nhà mạng nói.
Cần có Nghị định về xử lý kinh doanh trái phép qua mạng
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Đinh Anh Tuấn - Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: Theo quy định của pháp luật Việt Nam tính đến thời điểm này, việc tổ chức các trò chơi điện tử có thu phí và có thưởng (bằng giá trị vật chất) được xem là một hình thức đánh bạc và được Nhà nước Việt Nam quản lý rất chặt chẽ (chỉ được mở ở những điểm đủ điều kiện và chỉ dành cho người chơi là người nước ngoài). Riêng việc tổ chức các trò chơi, các hình thức cá độ có thu phí và có thưởng trên mạng Internet đương nhiên bị coi là đánh bạc và bị nghiêm cấm. Hành vi đánh bạc nói chung, đánh bạc có sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử nói riêng, sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Còn trong vụ án “tổ chức đánh bạc” do Bộ Công an và Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra, người chơi muốn tham gia các trò chơi phải nạp thẻ cào điện thoại hoặc nhắn tin đến đầu số dịch vụ thì nhà mạng phải có trách nhiệm. “Các “nhà mạng” (các đơn vị kinh doanh dịch vụ mạng Internet và mạng viễn thông) phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Nếu có bằng chứng về việc họ tiếp tay cho việc đánh bạc qua mạng Internet hoặc mạng viễn thông, đương nhiên họ phải chịu trách nhiệm hình sự”-luật sư Đinh Anh Tuấn nói.
Trước thông tin cho rằng các nhà mạng được hưởng tới 55%- -65% tổng giá trị thẻ nạp và tin nhắn, còn lại chuyển về công ty phát triển game, luật sư Đinh Anh Tuấn khẳng định “Nếu chứng minh được ý thức chủ quan rằng, nhà mạng biết rõ đó là hành vi đánh bạc song vẫn hợp tác để ăn chia, nhà mạng sẽ bị xử lý về hành vi “tổ chức đánh bạc” theo điều 322 Bộ luật Hình sự 2015”.
Cũng theo luật sư Đinh Anh Tuấn, việc “siết” chặt quản lý các hình thức kinh doanh qua mạng nói chung, kinh doanh trò chơi điện tử qua mạng nói riêng là hết sức cần thiết. Sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự 2015, đã có hẳn một “làn sóng” phản đối mạnh mẽ Điều 292 (quy định về xử lý một số hành vi cung cấp dịch vụ trái phép qua mạng máy tính và mạng viễn thông), dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017 đã bỏ Điều 292.
“Qua vụ án này và nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng về kinh doanh đa cấp thời gian gần đây, theo quan điểm của tôi, rất cần thiết phải xem xét lại việc loại bỏ Điều 292 ra khỏi Bộ luật Hình sự. Trong khi chờ đợi Quốc hội thực hiện việc này, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần ban hành một nghị định về thanh kiểm tra và xử lý các hình thức kinh doanh trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, trong đó có việc kinh doanh trò chơi điện tử và trò chơi điện tử có thưởng” - luật sư Tuấn nêu quan điểm.