“Duyên phận” Vietnam Airlines với Techcombank và Vietcombank
(Tài chính) Ngân hàng Techcombank và Vietcombank chính thức trở thành cổ đông của Vietnam Airlines sau phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng công ty mẹ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) diễn ra cuối tuần trước.
Theo kết quả đấu giá, VNA đã bán hết 49 triệu cổ phần với giá trúng bình quân là 22.307 đồng/cổ phần. Tổng giá trị thu về được sau IPO là hơn 1.093 tỷ đồng. Trong tổng số 1.608 NĐT đăng ký mua, có 1.577 NĐT trúng giá gồm 2 tổ chức trong nước và 1.575 NĐT cá nhân.
Kết thúc phiên IPO, Techcombank đã có công bố trở thành NĐT tổ chức lớn nhất của VNA sau khi mua thành công 25,76 triệu cổ phần, chiếm 52% số cổ phần chào bán.
Theo nguồn tin riêng của ĐTCK, 2 tổ chức trong nước đăng ký với số lượng 48,32 triệu cổ phần, chiếm hơn 98% tổng số lượng cổ phần chào bán công khai là Techcombank và Vietcombank.
Như vậy, dựa vào kết quả đấu giá, Vietcombank cũng đã mua thành công số lượng đăng ký, tức khoảng 46% số lượng cổ phần chào bán. Cả hai ngân hàng đều là chủ nợ lớn của VNA, cụ thể, tính đến cuối năm 2013, VNA vay hơn 3.000 tỷ đồng từ Vietcombank và hơn 1.100 tỷ đồng từ Techcombank. Điểm thú vị là, trước đây, VNA từng là cổ đông sáng lập, với tỷ lệ nắm giữ ban đầu tới 20% lượng vốn của Techcombank. Đến cuối năm 2011, VNA chỉ còn nắm giữ 2,7% vốn điều lệ của Techcombank, tương đương hơn 24 triệu cổ phiếu. Và trong năm 2013, VNA thông báo thoái toàn bộ vốn khỏi Techcombank.
Để trở thành cổ đông của VNA, mỗi ngân hàng đã chi khoảng 500 - 560 tỷ đồng để mua cổ phần trong phiên đấu giá, chỉ bằng khoản hạn mức tín dụng cấp cho một doanh nghiệp, nhưng “lợi ích” từ việc đầu tư vào doanh nghiệp có tiềm năng về tăng trưởng lợi nhuận còn nhiều hơn.
Thứ nhất, dù tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của VNA là 4,3 lần và nợ vay dài hạn/vốn chủ sở hữu là 3,17 lần, đều cao hơn chuẩn chung của ngành hàng không, nhưng do đặc thù của ngành vận tải hàng không (bán vé thu tiền trước, vận chuyển sau, nhiều khoản chi dịch vụ được thanh toán sau), nên VNA luôn có nguồn vốn khả dụng ổn định.
Từ 2010 - 2013, các chỉ tiêu số ngày vòng quay hàng tồn kho (3-6 ngày) và phải thu (15 - 19) đều ở mức thấp, trong khi đó, số ngày vòng quay phải trả (47 - 58 ngày) ở mức cao. “VNA cam kết được về khả năng thanh toán”, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA khẳng định như vậy. Vay nợ nhiều nhưng có khả năng thanh toán, nên VNA xứng đáng là loại khách hàng lớn được các ngân hàng mời chào.
Ngoài ra, VNA là doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng ngoại tệ rất lớn. Cuối năm 2013, Công ty có khoản nợ vay dài hạn bằng ngoại tệ lên tới 25.910 tỷ đồng, bao gồm các đồng USD và EUR, chiếm gần 70% nợ vay dài hạn. Bên cạnh đó, trong cơ cấu dòng tiền thu về thì 50% là VND và 50% là các loại ngoại tệ khác.
Giả định, VNA là pháp nhân không được thu đổi ngoại tệ nên không thể giao dịch trực tiếp bằng ngoại tệ, do đó, VNA cần thông qua ngân hàng để giao dịch. Hiện phí dịch vụ chuyển đổi ngoại tệ đối với cá nhân là 3,5%, với doanh nghiệp sẽ thấp hơn nhưng dù chỉ 1-2% mà tính trên tổng doanh thu năm 2013 của VNA là gần 69.000 tỷ đồng, thì tổng khoản phí thu về là không hề nhỏ.
Chưa kể VNA đang có kế hoạch đầu tư đội bay lên 116 chiếc vào năm 2018. Vốn đầu tư cho máy bay mới là 63.297 tỷ đồng. Đây lại là cơ hội để ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ việc cung cấp tín dụng cho VNA, bởi khi là cổ đông, hai ngân hàng trên sẽ có lợi thế “tiếp cận” với doanh nghiệp hơn các ngân hàng trong nước khác.
Không chỉ cho vay, hai ngân hàng hoàn toàn có thể khai thác các dịch vụ khác như thu hộ 100% tại các văn phòng bán vé của VNA cả nước; cung cấp gói tài chính cá nhân toàn diện cho cán bộ, nhân viên của VNA và tại các công ty con trực thuộc VNA…
Dưới góc độ nhà đầu tư, dù trong kế hoạch năm 2015 - 2018, VNA không chia cổ tức, nhưng nếu nhìn vào tiềm năng phát triển thì VNA là một lựa chọn để đầu tư dài hạn. Hiện thời gian khấu hao máy bay của VNA trung bình là 12 - 15 năm, thấp hơn so với trung bình ngành (15 - 20 năm), dẫn đến chi phí khấu hao cao hơn các hãng hàng không khác. Do đó, ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích của BSC cho rằng, mức lợi nhuận hiện nay của VNA là chưa thể hiện hết hiệu quả kinh doanh.
Với kế hoạch đầu tư đội bay mới, VNA tự tin đề ra kế hoạch tăng trưởng đáng kể cho giai đoạn 2015 - 2018. Cụ thể, tổng doanh thu công ty mẹ VNA dự kiến sẽ tăng 14% - 20% đến năm 2018, với lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 2.990 tỷ đồng. Tổng giám đốc VNA tin rằng, Tổng công ty có thể đạt được kế hoạch trên, bởi việc hoàn thành quá trình thay thế các máy bay thân rộng thế hệ mới vào năm 2018 sẽ giúp cắt giảm 25% chi phí nhiên liệu và từ 15% đến 20% chi phí kiểm tra, sửa chữa và bảo trì, dẫn đến biên lợi nhuận gộp tăng.
Bên cạnh đó, đội máy bay mới sẽ giúp Tổng công ty nâng cấp dịch vụ lên đẳng cấp bốn sao, từ đó giúp thu hút nhiều hơn khách hàng có thu nhập cao, tạo nên sự tăng trưởng doanh thu như kế hoạch.
Có thể thấy, đầu tư mua cổ phần VNA sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản vì hiện VNA vẫn chưa có kế hoạch niêm yết cụ thể. Tuy nhiên, với tiềm năng và lợi thế khai thác kinh doanh từ VNA, việc Vietcombank và Techcombank quyết định mua 98% lượng cổ phần chào bán của VNA là không khó hiểu.