ECB: Ngăn chặn giảm phát trong Eurozone

(Tài chính) Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định rằng, nền kinh tế châu Âu đang ở tình thế rất khó khăn đòi hỏi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ nếu không muốn lại rõi vào vòng xoáy suy giảm kinh tế như trong quá khứ.

ECB: Ngăn chặn giảm phát trong Eurozone
Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng nền kinh tế châu Âu đang ở tình thế rất khó khăn. Nguồn: internet

Nỗ lực của ECB nhằm chặn đà giảm phát

Tại cuộc họp ngày 04/9/2014 tại Frankfurt (Đức), Hội đồng thống đốc ECB bất ngờ công bố đồng loạt giảm các lãi suất chủ chốt 10 điểm cơ bản, xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời công bố chương trình mua chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản (ABS) và trái phiếu có đảm bảo, nhằm ngăn chặn nguy cơ giảm phát cũng như khơi thông dòng vốn tín dụng trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đồng hành cùng với quyết định cắt giảm lãi suất của ECB, trong ngày 04/9/2014, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng thông báo tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5% được áp dụng kể từ tháng 3/2009 đến nay.

Lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn của hệ thống ngân hàng châu Âu sẽ giảm xuống còn 0,05% bắt đầu từ ngày 10/9/2014. Đồng thời, hai loại lãi suất chủ chốt khác là lãi suất cho vay thanh khoản và lãi suất tiền gửi trong Eurozone sẽ giảm lần lượt xuống còn 0,3% và âm 0,2%.

Ngay sau khi ECB thông báo quyết định nói trên, giá trị đồng euro đã giảm 0,9%, xuống mức thấp nhất trong 14 tháng qua, với tỷ giá 1 euro đổi được 1,3022 USD.

Trước đó, tháng 6/2014, ECB đã hạ lãi suất tái cấp vốn từ 0,25% xuống 0,15% và lãi suất huy động vốn xuống âm 0,1%, trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới áp dụng mức lãi suất âm nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp. Chỉ trong vòng 3 tháng, ECB đã liên tiếp hai lần cắt giảm các lãi suất chủ chốt cho thấy, các quan chức ECB ngày càng lo ngại về tình hình sức khỏe của Eurozone, đặc biệt là dưới tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Tăng trưởng kinh tế của Eurozone vẫn còn quá thấp so với kỳ vọng của giới đầu tư. Hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại các biện pháp trừng phạt hay trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng của Eurozone. Nhà kinh tế Evelyn Herrmann thuộc BNP Paribas cảnh báo, nguy cơ suy giảm của kinh tế Eurozone sẽ cao hơn trong quý III/2014, chủ yếu do tình hình căng thẳng địa chính trị.

 Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, để nới lỏng các điều kiện tín dụng trong Eurozone, ECB sẽ tiến hành chương trình mua ABS và trái phiếu có đảm bảo kể từ tháng 10/2014. ECB kỳ vọng đây sẽ là một kênh quan trọng để cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, mang lại động lực để kích cầu trong toàn nền kinh tế. Theo hãng tin Reuters, quy mô của chương trình này có trị giá lên tới 500 tỷ euro (tương đương 650 tỷ USD) trong vòng 3 năm.

Như vậy, khác với dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, ECB đã chọn chương trình mua ABS và trái phiếu có đảm bảo thay vì triển khai chương trình nới lỏng định lượng (QE), một chương trình mua trái phiếu quy mô lớn mà nhiều ngân hàng trung ương đang thực hiện, để bơm tiền vào nền kinh tế.

Ông Draghi cũng cho biết thêm rằng, ECB sẽ tiến hành các biện pháp để ngăn chặn nguy cơ giảm phát nếu lạm phát trong Eurozone duy trì “ở mức quá thấp trong một thời gian quá dài”.

Mặc dù tuyên bố ECB sẵn sàng hành động nếu thấy cần thiết để tạo đà hồi phục tăng trưởng cho Eurozone, nhưng Chủ tịch ECB cũng khuyến nghị chính phủ các nước thành viên phải thể hiện vai trò tích cực hơn nữa trong việc tiến hành cải cách để giảm tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (11,5%).

Ông Draghi cho rằng, không có biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế nào có thể làm thay việc chính phủ các nước trong Eurozone tiến hành các cải cách cơ cấu cần thiết. Ông dẫn chứng, Ireland đã hạ tỷ lệ thất nghiệp một cách nhanh chóng nhờ nước này tạo được một nền kinh tế linh hoạt, trong khi kinh tế Tây Ban Nha được hưởng lợi đáng kể từ việc nới lỏng các quy định về lao động.

Quyết định khá bất ngờ của ECB nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). IMF cho rằng đây là một bước đi thích hợp nhằm tháo gỡ tình trạng tăng trưởng trì trệ cũng như ngăn chặn mối nguy giảm phát trong Eurozone. Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde cho rằng, lạm phát thấp sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của châu Âu. Bà Lagarde cũng khuyến nghị, sau khi đã hoàn thành mục tiêu ổn định giá cả, ECB vẫn nên duy trì một chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, mang tính chất hỗ trợ cho đến khi nhu cầu của khu vực tư nhân hoàn toàn hồi phục.

Sức ép buộc ECB phải thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế của châu Âu ngày càng gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Eurozone quý III/2014 chững lại, lạm phát tháng 8/2014 giảm xuống 0,3% so với 0,4% của tháng 7/2014 (là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009) và cuộc khủng hoảng Ukraine đang làm sụt giảm nghiêm trọng niềm tin kinh doanh trong toàn châu lục, gia tăng mối lo ngại về nguy cơ giảm phát tại Eurozone, đồng thời khiến cho mục tiêu lạm phát dưới 2% mà ECB đề ra ngày càng khó thành hiện thực.

Trong phiên họp chính sách thường kỳ tháng 9/2014, ECB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone gồm 18 thành viên trong năm 2014 và 2015 xuống lần lượt 0,9% và 1,6%, hạ dự báo lạm phát năm 2014 từ 0,7% xuống 0,6%, song giữ nguyên dự báo lạm phát năm 2015 và 2016 ở mức tương ứng là 1,1% và 1,4%.

Kỳ vọng gặt hái thành quả

Trước một số cảnh báo rằng lạm phát thấp sẽ dẫn đến giảm phát, ECB cho biết mức lạm phát được cho là đã chạm đáy kể trên là để tạo đà cho sự tăng trở lại trong một vài năm tới, chủ yếu do các hoạt động kinh tế dần hồi phục, giá năng lượng, thực phẩm và tỷ giá hối đoái chấm dứt xu hướng đi xuống. Dự báo này cho thấy dấu hiệu các hoạt động kinh tế trong Eurozone sẽ dần được tăng cường trong những năm tiếp theo.

Thêm vào đó, các chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư quốc tế cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đầu tàu của Eurozone như Đức, Italy, Anh…

Trước những ý kiến quan ngại rằng, kinh tế Đức có thể rơi vào tình trạng trì trệ như Pháp, ông Christian Schulz, nhà kinh tế cấp cao của châu Âu thuộc Berenberg Bank tại London (Vương quốc Anh), cho rằng nền kinh tế Đức, đầu tàu của Eurozone, về cơ bản vẫn mạnh mẽ và có thể dựa vào nhu cầu nội địa vững chắc để vượt qua một số tác động bên ngoài. Ông cho rằng, sự sụt giảm trong quý II/2014 của kinh tế Đức chỉ mang tính tạm thời.

Đồng quan điểm với ông Christian Schulz, nhà kinh tế Carsten Brzeski của tập đoàn ING (Hà Lan), cũng cho rằng do nhu cầu tiêu dùng nội địa của Đức khá cao nên Đức vẫn có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2014, bất chấp những tác động xấu từ khủng hoảng Ukraine.

Ngân hàng Bundesbank dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức sẽ đạt 1,9% năm 2014 và 2% năm 2015.

Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), sản xuất công nghiệp của Italy, nền kinh tế lớn thứ ba của Eurozone, trong tháng 6/2014 và nửa đầu năm nay đều tăng 0,4%.

Vương quốc Anh, với lợi thế là nơi có chi phí sản xuất thấp nhất khu vực Tây Âu, đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế tạo toàn cầu và tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 3,5% trong năm 2014 và 3% trong năm 2015. 

Hãng tin AFP (Pháp) cho biết, Hy Lạp cũng là một điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh kinh tế ảm đạm của châu Âu. Nền kinh tế chìm trong nợ nần suốt 6 năm qua của Hy Lạp đã có những dấu hiệu cải thiện tích cực, củng cố niềm tin về việc nước này có thể thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trong năm 2014. Chính phủ Hy Lạp đang thực thi một số giải pháp cắt giảm nợ công vào cuối năm nay để từ các năm sau đó nước này có thể tự duy trì sự ổn định của nền kinh tế.

Công ty đầu tư quốc tế Henderson Global Investors mới đây cho biết, các doanh nghiệp châu Âu (không tính các công ty của Vương quốc Anh) đã chi trả 153,4 tỷ USD cổ tức trong quý II/2014 cho các cổ đông, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2013, cho thấy đây là số liệu tốt nhất trong vòng 5 năm qua. 

Dự đoán lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng 5,4% trong năm 2014, dù thấp hơn con số dự kiến tăng 11,8% đưa ra hồi đầu năm, song vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn kinh tế suy giảm 2009 - 2013. Vì vậy, ông Talib Sheikh, nhà quản lý quỹ của J.P. Morgan Asset Managemnet, cho rằng “thị trường chứng khoán châu Âu hiện khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu”.


Hoàng Minh - Theo Thông tin tài chính số 19 kỳ 1 tháng 10/2014