Êkíp kinh tế mới của Tổng thống Brazil
(Tài chính) Trong số những gương mặt mới vừa được Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, đưa vào êkíp kinh tế phải kể tới tân Bộ trưởng Tài chính Joaquim Levy. Chuyên gia tài chính hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng này nổi tiếng với chủ trương ủng hộ nền kinh tế thị trường với các quy định mang tính diều hâu và chính thống, cùng kỷ luật thép về ngân sách này sẽ là một trong những át chủ bài của Tổng thống Rousseff trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế Brazil đang suy giảm hiện nay.
Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi được bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Tài chính Levy, người từng là Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển liên Mỹ - cho biết mục tiêu trước mắt của bộ là đạt thặng dư ngân sách ban đầu (trước khi trả nợ) tương đương 1,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2015, và nâng lên tối thiểu 2% GDP trong hai năm tiếp theo. Theo ông, đạt được các mục tiêu trên sẽ gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Brazil, tạo cơ sở để tăng trưởng kinh tế và củng cố các thành tựu xã hội, kinh tế và thể chế đạt được trong hơn một thập kỷ qua.
Cùng với ông Levy, Tổng thống Rousseff cũng lựa chọn nhà kinh tế Nelson Barbosa đứng đầu Bộ Kế hoạch và ông Alexandre Tombini sẽ tiếp tục làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương. Đây là những bộ trưởng đầu tiên trong nội các nhiệm kỳ hai, bắt đầu vào ngày 1/1/2015 tới, được bà Rousseff thông báo sau khi tái đắc cử hôm 26/10 vừa qua với số phiếu ủng hộ sít sao, buộc bà phải đưa ra những điều chỉnh trong chính sách kinh tế để đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Các chuyên gia đều cho rằng việc chỉ định ông Levy đứng đầu Bộ Tài chính sẽ đem lại sự lạc quan trong giới doanh nghiệp và thị trường tài chính, và có thể góp phần phục hồi nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới này. Trong một thông cáo, Liên đoàn Công nghiệp quốc gia Brazil (CNI) khẳng định các bộ trưởng trong êkíp kinh tế mới có năng lực để đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Brazil, điều có tầm quan trọng lớn đối với nền công nghiệp của nước này.
Theo giới phân tích, êkíp kinh tế vừa được bổ nhiệm đứng trước một thách thức to lớn nhằm vực dậy nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin. Chính phủ Brazil dự kiến GDP năm nay chỉ tăng 0,7%, tuy nhiên Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng mức tăng chỉ đạt 0,3%. Mặc khác, trong năm nay chính phủ sẽ không hoàn thành mục tiêu đạt thặng dư ngân sách ban đầu tương đương 1,9% GDP vì đến hết tháng Chín mới đạt 0,6%. Trong khi đó, lạm phát trong 12 tháng gần đây đã vượt mức trần 6,5% mà Brasilia đặt ra cho năm nay.
Trước khi được bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Tài chính Levy là Giám đốc điều hành Quỹ Quản lý tài sản Bradesco (Bram) thuộc ngân hàng tư nhân lớn thứ hai của Brazil. Ông cũng từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva - người tiền nhiệm của bà Rousseff - và để lại dấu ấn tốt gắn với một giai đoạn đỉnh cao của nền kinh tế Brazil. Chính khách này là tiến sỹ kinh tế tại Đại học Chicago của Mỹ và từng kinh qua một số cương vị tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như Ngân hàng Trung ương châu âu (ECB) trước khi về nước tham gia chính trường.
Lý lịch của chính khách 53 tuổi này khá nhiều điểm nhấn: ông được đào tạo chuyên ngành chế tạo máy hải quân, bảo vệ luận văn tiến sỹ triết học năm 1992. Ông được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Tài chính phụ trách chính sách kinh tế năm 2000, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển liên Mỹ. Sau đó, ông được lựa chọn làm Bộ trưởng Tài chính bang Rio de Janeiro và làm việc cho quỹ Bradesco từ năm 2010.
Tân Bộ trưởng Tài chính Levy được giới chuyên gia kinh tế và các nhà phân tích đánh giá là một trong những người có công lớn giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế Brazil, đặc biệt giảm chi tiêu ngân sách và hiện đại hóa cơ cấu nợ. Hiệu quả các chính sách của đúng đắn mà chính khách này đóng góp phần không nhỏ là các chỉ số tín nhiệm của nền kinh tế Brazil được tăng bậc, và kỷ nguyên Lula da Silva là một kỷ nguyên Vàng. Chuyên gia kinh tế Andre Leite của Quỹ đầu tư TAG nhận định Levy là một tên tuổi lớn và thành công. Theo ông, bằng năng lực của mình, chính khách này sẽ nhanh chóng giúp Brasilia lấy lại niềm tin của giới đầu tư và thị trường, đưa nền kinh tế đi đúng quỹ đạo.