“Ép giá” Ngân hàng Nhà nước

Theo Đầu tư Chứng khoán

Chưa biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ áp dụng hình thức đấu thầu nào, song dự báo sẽ có một cuộc “ép giá” của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp (DN) với NHNN.

“Ép giá” Ngân hàng Nhà nước
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thị trường đang nóng lòng chờ đợi phiên giao dịch vàng miếng thực sự đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nóng lòng, bởi đó là động thái can thiệp thị trường vàng trực tiếp bằng biện pháp kinh tế đầu tiên của NHNN và diễn biến cũng như kết quả của phiên đầu thầu sẽ cho thấy thực mục sở thị cung - cầu vàng miếng trên thị trường.

Phiên giao dịch vàng đầu tiên của NHNN nhiều khả năng sẽ là một phiên đấu thầu bán, bởi nó phù hợp với mục tiêu can thiệp thị trường của cơ quan này giai đoạn hiện nay là thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Mục tiêu đó không nằm ngoài yêu cầu của Quốc hội (theo Nghị quyết Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4) và của Chính phủ (theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2013).

Đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2013/QĐ-TTg về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN, có hiệu lực ngày 5/3. Văn bàn này là cơ sở pháp lý để NHNN thực hiện giao dịch vàng miếng. Tuy nhiên, trước khi phiên đấu thầu đầu tiên được tiến hành, NHNN sẽ phải ban hành Thông tư hướng dẫn Quyết định 16/2013/QĐ-TTg. Theo NHNN thì dự thảo Thông tư này đã được chuẩn bị sẵn để khi Quyết định của Thủ tướng được ban hành thì Thông tư cũng sẽ được ban hành ngay sau đó, nhằm nhanh chóng đưa Quyết định của Thủ tướng vào cuộc sống. Và như vậy, ngày thực hiện phiên giao dịch đầu tiên sẽ không còn xa.

Chưa biết NHNN sẽ áp dụng hình thức đấu thầu theo giá hay theo khối lượng, song với hình thức nào thì dự báo khối lượng trúng thầu đợt đầu cũng sẽ không nhiều và sẽ có một cuộc “ép giá” (đặt giá mua thấp) của các tổ chức tín dụng, DN với NHNN. Lý do là, mục đích của các phiên đấu thầu bán là để đưa giá vàng trong nước giảm về sát với giá vàng thế giới, nên xu hướng giá qua các phiên đấu thầu sẽ là giảm dần (trừ phi giá vàng thế giới thời gian đó có dấu hiệu tăng mạnh). Và bởi biết trước xu hướng giảm giá, các đối tượng mua sẽ không dại gì mà vội đặt thầu giá cao, khối lượng lớn.

Do việc bán vàng của NHNN không vì mục tiêu lợi nhuận, nên có thể nói, giá vàng trong nước giảm về sát giá vàng thế giới nhanh hay chậm chủ yếu phụ thuộc vào lưu lượng cung vàng của cơ quan này. Chỉ cần cung ra số vàng đủ bù đắp cho lượng dư cầu và không đặt giá cao trong hình thức đấu thầu theo khối lượng thì giá vàng trong nước có thể sẽ giảm về sát với giá vàng thế giới trong vòng 7 ngày, đúng như lời ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn.

Nếu NHNN tiết chế lượng cung (có lý do, chẳng hạn như phải tính đến các hiệu ứng từ việc xuất dự trữ ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu), giá vàng trong nước sẽ giảm chậm hơn và khi đó, một số đối tượng có nhu cầu gấp về vàng (để tất toán trạng thái) sẽ buộc phải mua vàng từ các đối tượng khác, tất nhiên là với giá… còn cao hơn giá vàng thế giới khá nhiều.