EU muốn hòa với Mỹ để cùng tạo áp lực lên Trung Quốc
Cao ủy thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump ngừng áp thuế đối với khối nếu ông muốn một đối tác giúp Mỹ gây áp lực để Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quản lý nền kinh tế toàn cầu.
Căng thăng thương mại Mỹ - EU
Quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết sau khi Mỹ áp thuế lên thép và nhôm của EU. Chưa dừng lại ở đó, thời gian gần đây ông Trump còn liên tục đe dọa sẽ áp thuế lên ô tô nhập khẩu từ EU với mức thuế lên tới 25%. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận được một báo cáo điều tra với lý do an ninh quốc gia của Bộ Thương mại về nhập khẩu ô tô và phụ tùng. Ông có thời hạn đến giữa tháng 5 về việc có đưa ra quyết định áp thuế quan đối với ô tô nhập khẩu hay không.
Nếu Mỹ làm như vậy, EU sẽ trả đũa 20 tỷ euro (22,4 tỷ USD) hàng hóa của Mỹ, Malmstrom nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Bloomberg News. Một danh sách các sản phẩm dự kiến bị đánh thuế đang được lập ra, trong số những mục tiêu đó có thể là các phân khúc của ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
“Tôi sẽ làm điều đó với một tâm trạng rất nặng nề”, bà nói. “Chúng ta nên hợp tác với các mối đe dọa chung và những thách thức chung và không áp dụng thuế quan đối với nhau”.
EU đã bị “xúc phạm nặng nề” khi Mỹ đã xem đó là rủi ro an ninh quốc gia khi áp thuế đối với xuất khẩu thép và nhôm của EU, Malmstrom cho biết trong một sự kiện trước đó vào thứ năm. Bà nói rằng các mức thuế quan đó, cộng thêm những đe dọa về việc áp thuế quan nhiều hơn đối với ô tô của châu Âu và những lời chỉ trích rất khắc nghiệt đã dẫn đến sự thiếu tin tưởng lẫn nhau trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Nhưng bà đang làm việc để xây dựng lại nó thông qua một thỏa thuận thương mại hẹp và sẽ loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp. Việc đàm phán một thỏa thuận toàn diện hơn là “không thể thực hiện được trong giai đoạn này”, bà nói.
Tuy nhiên Malmstrom cũng cho biết, các quốc gia thành viên EU muốn giải quyết vấn đề thuế quan Mỹ đối với thép và nhôm châu Âu là điều kiện tiên quyết trước khi bất kỳ một thỏa thuận thương mại song phương nào có thể được ký kết. Thậm chí các quan chức EU cũng tuyên bố sẽ từ bỏ đàm phán với Mỹ nếu Nhà Trắng quyết định áp thuế quan đối với ô tô.
“Nó sẽ làm tổn thương nền kinh tế Mỹ rất nhiều. Và sau đó, nếu bạn gộp cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và Brazil và tất cả những quốc gia khác, nó sẽ rất có hại cho nền kinh tế toàn cầu”, theo Malmstrom. “Vì vậy, chúng tôi thực sự hy vọng điều đó sẽ không xảy ra”.
Hợp tác hay đối đầu?
Bà Cecilia Malmstrom cũng cho biết đã có những cuộc họp hữu ích với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer về cách giải quyết các chính sách công nghiệp của Trung Quốc và cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, mặc dù nhất trí với nhau về mục tiêu, song hai bên vẫn bất đồng về giải pháp để thực hiện.
“Chúng ta đang có một vấn đề: Trung Quốc đang bán phá giá thị trường, Trung Quốc đang trợ cấp cho ngành công nghiệp của họ, điều này tạo ra sự biến dạng toàn cầu. Chúng tôi có thể đồng ý về điều đó. Vậy giải pháp là gì? Chúng tôi nghĩ rằng đó là hợp tác với nhau về vấn đề Trung Quốc”, Malmstrom nói với Bloomberg News trong một cuộc phỏng vấn ở Washington. “Giải pháp cho những vấn đề này là không áp dụng thuế quan đối với EU. Tại sao điều đó quá khó hiểu?”, bà nói thêm và nhấn mạnh: “Nếu bạn muốn có một đồng minh và đối tác, đây không phải là cách để làm điều đó”.
Tuy nhiên đến nay những cuộc đàm phán này vẫn chưa chính thức bắt đầu, mặc dù Malmstrom nói rằng EU sẽ sẵn sàng trong tháng tới. Chính quyền Trump cũng đã kết thúc quá trình trong nước trước khi có thể bắt đầu đàm phán, nhưng Lighthizer và những người được ủy quyền của ông đang bận rộn với một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung cũng như để Quốc hội Mỹ thông qua cho Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada.
Bên cạnh đó, hiện Mỹ và EU cũng chưa đồng nhất về phạm vi của thỏa thuận thương mại. Trong khi Mỹ khăng khăng rằng nông nghiệp sẽ là một phần của nó, thì EU lại kịch liệt phủ nhận nó từng là một phần của thỏa thuận sơ bộ mà ông Trump đã ký với Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker hồi tháng 7/2018.
Lighthizer nói với Quốc hội Mỹ tuần trước rằng, hai bên đang lâm vào bế tắc. Tuy nhiên Malmstrom từ chối mô tả vấn đề theo cách đó. “Theo quan điểm của chúng tôi, đó không phải là một sự bế tắc bởi vì nó (nông nghiệp) chưa bao giờ là ý định của chúng tôi để đưa vào thỏa thuận. Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của Mỹ trong việc đưa vấn đề này vào thỏa thuận, nhưng chúng tôi đã nói rất rõ ràng ngay từ đầu”, bà nói.
Trả lời câu hỏi liệu EU có sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận hạn ngạch sẽ hạn chế khối lượng xuất khẩu thép và nhôm của mình hay không, Malmstrom cho biết, chỉ khi hạn ngạch đó dựa trên dòng chảy thương mại truyền thống. Bất chấp việc thép và nhôm của EU đang bị đánh thuế, nhưng điều quan trọng đối với EU là có “một số chương trình nghị sự tích cực với Mỹ”, Malmstrom nói.