Tác động của xung đột thương mại Mỹ với Trung Quốc, EU, Canada và Mexico


Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ cũng như các mức thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu từ những đối tác thương mại lớn của nước này như: Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mexico và Canada, đã gây ra lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại sắp diễn ra. Bài viết phân tích các tác động của các cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ với các đối tác lớn như: Trung Quốc, EU, Canada và Mexico đến kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chiến tranh thương mại là các nước dựng lên hàng rào thuế quan và phi thuế quan nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa để bảo hộ cho sản xuất trong nước. Như vậy, theo định nghĩa trên, diễn biến hiện nay trong thương mại giữa Mỹ và các đối tác (Trung Quốc, EU, Canada và Mexico) vẫn chưa phải là chiến tranh thương mại thực sự, do các yếu tố: (i) Việc nâng mức thuế đánh vào một số mặt hàng nhập khẩu của các đối tác hiện nay là có mục tiêu quốc gia cụ thể; (ii) Hàng rào thuế quan được các nước dương lên để bảo hộ sản xuất trong nước; (iii) Các bên mong muốn đàm phán để tìm "tiếng nói chung".

Từ những lập luận trên có thể thấy, diễn biến hiện nay trong thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn mới dừng lại ở giai đoạn “ăn miếng trả miếng” sau khi các cuộc đàm phán chưa đạt được kết quả. Do vậy, nên hiểu đó là các cuộc xung đột thương mại, chưa phải là chiến tranh thương mại.

Xung đột thương mại Mỹ - EU

Các số liệu thống kê cho thấy, trao đổi thương mại Mỹ - EU mỗi năm là khoảng 700 tỷ USD, trong đó, Mỹ luôn thâm hụt khoảng 150 tỷ USD/năm. Riêng mặt hàng ô tô, EU áp dụng mức thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ vào EU trong khi mức thuế đối xứng của Mỹ chỉ áp mức 2,5%. Với sự chênh lệch quá lớn về mức thuế suất giữa 2 nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng mức thuế suất này là không công bằng.

Để hóa giải những bất đồng trên, 2 bên đã có một số cuộc đàm phán nhưng vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung”. Hệ quả là Tổng thống Mỹ đã quyết định đánh thuế 25% và 10% lần lượt lên các mặt hàng thép và nhôm của EU nhập khẩu vào Mỹ. Cùng với đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa sẽ đánh thuế 20% đối với ô tô của EU xuất khẩu sang Mỹ.

Đáp trả lại những động thái này của Mỹ, ngày 20/6/2018, EU tuyên bố đánh thuế 25% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang EU như: xe mô tô (Harley - Davidson), các sản phẩm quần áo Jean thương hiệu Levi Strauss & Co. Jean, rượu whiskey Bouborn và một số mặt hàng khác…

Nếu các cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ - EU tiếp tục leo thang thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU sẽ bị ảnh hưởng. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 của EU sẽ đạt khoảng 2,1%, so với mức 2,3% dự báo trước đó (sau khi đạt 2,4% trong năm 2017).

Xung đột thương mại Mỹ với Canada và Mexico

Ba nước (Mỹ, Canada và Mexico) tham gia Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) từ năm 1994 với giá trị trao đổi thương mại nội khối lên tới gần 1.200 tỷ USD/năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, hơn 20 năm tồn tại NAFTA đã khiến Mỹ mất hàng trăm nghìn việc làm và luôn rơi vào tình trạng thâm hụt mậu dịch trong khối. Năm 1994, Mỹ thâm hụt mậu dịch với Canada khoảng 14 tỷ USD; Mức thâm hụt mâu dịch này tăng dần qua các năm và đạt đỉnh năm 2008 lên tới 78,3 tỷ USD. Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mức thâm hụt giảm dần, đến năm 2017 mức thâm hụt còn hơn 17 tỷ USD.

 Đối với Mexico, Mỹ có thặng dư mậu dịch với nước này khoảng 1,34 tỷ USD vào năm 1994. Sau khi NAFTA có hiệu lực, thâm hụt mậu dịch của Mỹ từ mức âm 15,8 tỷ USD năm 1995 đã tăng đều qua các năm và đạt đỉnh năm 2007 với 74,7 tỷ USD; sau khủng hoảng kinh tế năm 2008, thâm hụt mậu dịch có giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ở mức cao (trung bình khoảng 65 tỷ USD/năm). Đây cũng chính là lý do khiến cho chính quyền Trump lo ngại và tìm mọi cách chấm dứt tình trạng này.

Hiện nay, tổng giá trị xuất khẩu thép của Canada chiếm 16% trong khi Mexico chiếm 9% thép nhập khẩu của Mỹ. Hai nước này đều bị Mỹ áp thuế suất cao đối với thép và nhôm. Xét về mặt hàng nhôm nhập khẩu vào Mỹ (năm 2017), Canada chiếm tỷ trọng lớn nhất 36,6% (tương đương 8,5 tỷ USD) so với đối tác thứ hai là Trung Quốc chiếm 15,1% (tương đương 3,5 tỷ USD), Mexico chiếm 4,3% (1 tỷ USD).

Giống như đối với EU, Nhật Bản và các đối tác khác, cả Canada và Mexico đều bị áp thuế thép và nhôm. Đối với nhôm, nhập khẩu vào Mỹ năm 2017, Canada chiếm tỷ trọng lớn nhất 36,6% (tương đương 8,5 tỷ USD so với đối tác thứ hai là Trung Quốc chiếm 15,1% (tương đương 3,5 tỷ USD). Canada áp thuế cao lên các mặt hàng nông sản, thép, ô tô nhập khẩu của Mỹ nhằm vào các sản phẩm từ các bang ủng hộ chính quyền Trump và gây áp lực chính trị đối với cuộc bầu cử sắp tới. Canada và Mỹ có buôn bán hai chiều hàng năm lên tới gần 600 tỷ USD.

Tóm lại, cuộc xung đột thương mại Mỹ - Canada và Mexico mới chỉ dừng lại ở sự bất đồng về lợi ích kinh tế. Chiến thuật đáp trả hiện nay mà các đối tác của Mỹ áp dụng nhằm gây áp lực chính trị là chủ yếu, chứ chưa phải là nhằm mục đích kinh tế.

Xung đột thương mại với Trung Quốc

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là khoảng 360 tỷ USD kéo dài trong suốt 10 năm qua. Tổng thống Trump cho rằng, cách kiếm lời lớn của Trung Quốc là dựa vào các “tiểu sảo” như: Thao túng tỷ giá; ăn cắp công nghệ, ép các công ty phương Tây chia sẻ bí quyết nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc…

Trước động thái của đối thủ, chính quyền Trump đã quyết định áp thuế với hơn 800 hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ với trị giá 34 tỷ USD (từ ngày 7/6/2018) và dự kiến áp thuế tiếp đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc với trị giá khoảng 14 tỷ USD. Tổng thống Trump còn đe dọa nếu Trung Quốc trả đũa và không chịu thay đổi hành vi của mình trong thương mại quốc tế thì Mỹ sẽ đánh thuế tiếp vào các mặt hàng có trị giá khác. Đáp trả, Trung Quốc đã áp thuế 25% đối với các mặt hàng nông sản (đỗ tương), ô tô và phụ tùng ô tô trị giá khoảng 34 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ.

Thực tế hiện nay, Trung Quốc đang thực thi một chương trình trợ cấp lên tới 300 tỷ USD để giúp các công ty của nước này có được công nghệ cao, nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược “Made in China 2025”. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỷ USD để “săn lùng” các công ty công nghệ Mỹ, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ Mỹ. Có thể nói, chiến lược “Made in China 2025” được coi là “chất xúc tác” châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường.

Liên minh chống lại Mỹ liệu có khả thi?

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - EU thường niên diễn ra tại Bắc Kinh ngày 16/7/2018, Trung Quốc ngỏ ý muốn liên kết với EU để tìm ra biện pháp đáp trả chính sách thuế của Mỹ. Trung Quốc và EU là hai đối tác thương mại lớn của nhau với tổng kim ngạch khoảng 1,3 tỷ USD/ngày.

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố mở cửa hơn nữa thị trường trong nước, tăng cường quyền sở hữu trí tuệ và tăng nhập khẩu. Động thái này của Trung Quốc nhằm giảm áp lực phải đối mặt với chính quyền Trump và EU, đồng thời, Trung Quốc muốn EU nghiêng về phía mình đối trọng với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại.

Hiện nay, các công ty trong khối EU đã gặp phải một số khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường Trung Quốc, do không tiết lộ bí quyết công nghệ cho các đối tác của nước này. Trước Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - EU, mới đây, Đức đã đề nghị Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker không được đứng về phía Trung Quốc chống lại Mỹ và sau Hội nghị, các bên chỉ tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức nhằm tránh xảy ra cuộc chiến tranh thương mại.

Trên thực tế, chính EU cũng đang đòi hỏi Trung Quốc phải thực thi thương mại công bằng hơn nên cũng muốn tận dụng cơ hội này nhằm gây thêm áp lực buộc Trung Quốc phải từ bỏ các hành vi thương mại bất công bằng. Mặt khác, xung đột giữa EU và Mỹ chỉ là quyền lợi về kinh tế và họ vẫn là đồng minh chính trị. Hơn nữa, EU và Mỹ vẫn là đối tác cùng chung mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng cả trên góc độ chính trị lẫn kinh tế. Do vậy, mong muốn của Trung Quốc thiết lập một liên minh nhằm chống lại Mỹ trong xung đột thương mại hiện nay là khó có thể thành công.

Ở một diễn biến khác, Nhật Bản đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với EU ngày 17/7/2018 nhằm tăng cường thương mại giữa 2 bên trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Theo thỏa thuận này, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 94% các mặt hàng nhập khẩu từ EU, bao gồm 82% các sản phẩm nông, nghư nghiệp.

Điều này sẽ giúp pho-mát, rượu vang và thịt lợn của EU có giá rẻ hơn trên thị trường Nhật Bản. Về phần mình, EU sẽ xóa bỏ thuế đối với 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, đồng thời, sẽ xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm chủ lực của Nhật Bản như đối với ô tô là sau 8 năm và tivi là sau 6 năm kể từ khi thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực.

Trong bối cảnh hiện nay, thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và EU có ý nghĩa quan trọng, bởi vì: (i) Giúp giảm bớt những lo ngại về khuynh hướng bảo hộ đang lan rộng; (ii) Giúp tăng triển vọng thương mại và tăng trưởng toàn cầu sau những lo ngại sụt giảm từ những xung đột thương mại bắt nguồn từ Mỹ; (iii) là “Đòn cân não” lớn đối với Mỹ khi tính cạnh tranh của 2 đối thủ thương mại của Mỹ là EU và Nhật sẽ tăng lên, nhờ giảm thuế.

Từ những phân tích trên có thể thấy, chiến tranh thương mại giữa các nước trên là chưa xảy ra và vẫn còn cơ hội cứu vãn nếu các bên chịu nhượng bộ. Xung đột thương mại Mỹ đối với EU, Canada và Mexico chủ yếu là vì lợi ích kinh tế. Trong khi đó, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc còn mang tính chính trị, tranh giành ảnh hưởng và vị trí dẫn đầu thế giới. Điều này sẽ khiến xung đột leo thang, không chỉ dừng lại ở thương mại mà sẽ lan sang cả lĩnh vực đầu tư, việc làm.  

Những tác động và hàm ý cho Việt Nam

Nếu chính sách thuế của chính quyền Trump được thực thi đầy đủ, thương mại toàn cầu chịu tác động không nhiều (ước tính thương mại toàn cầu giảm khoảng 4%). Tuy nhiên, tác động từ chính sách thuế của Mỹ sẽ có những thay đổi nhất định trong dòng hàng hóa thế giới. Chẳng hạn, đỗ tương của Mỹ sẽ phải tìm nơi tiêu thụ bên ngoài Trung Quốc, điều này khiến giá đỗ tương thế giới giảm sút; Một số quốc gia khác lại trở thành nhà cung cấp đỗ tương cho Trung Quốc. Tương tự, thép của Trung Quốc có thể bán vào các thị trường khác khiến giá thép thế giới giảm, ảnh hưởng đến ngành thép toàn cầu.

Về tăng trưởng kinh tế, GDP toàn cầu sẽ bị mất khoảng 800 tỷ USD (tương đương 0,4% GDP). Điều đáng lo ngại hơn, xung đột thương mại leo thang sẽ khiến lòng tin của nhà đầu tư giảm.

Đối với Việt Nam, căng thẳng thương mại Mỹ với Trung Quốc, EU, Canada và Mexico tác động lớn đến Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc. Khi cuộc chiến thương mại giữa các nước bùng phát, hàng hóa Trung Quốc “thừa ế” sẽ tìm cách đổ bộ vào Việt Nam.  

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã quyết định hạ giá đồng NDT để duy trì xuất khẩu khi bị nâng thuế. Trong vòng một tháng qua, đồng NDT đã mất giá tới 6,1% (từ mức 6,4 NDT/USD lên mức 6,7955 NDT/USD ngày 23/7/2018). Trong khi đó, đồng VND của Việt Nam chỉ mất giá 1,2% từ đầu năm 2018, nghĩa là đồng NDT đã mất giá hơn so với đồng VND tới 4,9%.

Điều này khiến hàng hóa của Trung Quốc có thêm lợi thế giá rẻ hơn sẽ tràn nhiều vào Việt Nam. Để đối phó với tình trạng này, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ để phòng chống tình trạng buôn lậu, hàng nhái từ Trung Quốc vào Việt Nam. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có biện pháp điều hành tỷ giá phù hợp để ứng phó với sự mất giá của đồng NDT.

Tài liệu tham khảo:

  1. http://trade.ec.europa.eu/doclib/docs/2015/january/tradoc_152998.1%20Trade%20in%20goods%20and%20c stoms%20tariffs.pdf;
  2. https://www.investopedia.com/news/where-does-us-import-steel/;
  3. https://www.politico.com/newsletters/morning-trade/2018/07/05/eu-considers-eliminating-car-tariffs-to-avoid-trade-war-271430;
  4. https://www.wsj.com/articles/trump-plans-new-curbs-on-chinese-investment-tech-exports-to-china-1529883988;
  5. https://www.politico.com/story/2018/06/24/trump-china-export-controls-647091;
  6. https://www.wsj.com/articles/china-targets-u-s-tech-startups-in-investment-loophole-1531742441?mod=cx_politics&cx_navSource=cx_politics&cx_tag=collabctx&cx_artPos=2#cxrecs_s.