EU nêu "giới hạn đỏ" trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ
Ngày 15/4, Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom khẳng định lĩnh vực nông nghiệp "chắc chắn sẽ không nằm trong nội dung các cuộc đàm phán; đây là giới hạn đỏ đối với châu Âu."
Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại với Mỹ và đặt mục tiêu hoàn tất một thỏa thuận trước cuối năm nay.
Tuyên bố trên được Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom đưa ra ngày 15/4 trong bối cảnh khối này và Mỹ vẫn đang vướng vào cuộc tranh chấp thương mại.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels của Bỉ, đại diện các nước EU, đã thống nhất hai lộ trình trong cuộc đối thoại sắp tới với Mỹ: một mặt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa công nghiệp, mặt khác nới lỏng các quy định cho phép các công ty tại hai bên đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ hoặc EU.
Tuy nhiên, EU đã loại trừ lĩnh vực nông nghiệp ra khỏi các cuộc đàm phán, dẫn tới bất đồng giữa khối liên minh gồm 28 thành viên này và Mỹ.
Washington từ lâu luôn khăng khăng yêu cầu các cuộc đàm phán phải bao gồm các mặt hàng nông sản.
Phát biểu tại buổi họp báo, Ủy viên Malmstrom cho biết hiện bà đang nỗ lực liên lạc với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhằm xem xét thời điểm tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại.
Bà nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán ngay khi Mỹ sẵn sàng." Mặc dù vậy, quan chức này khẳng định lĩnh vực nông nghiệp "chắc chắn sẽ không nằm trong nội dung các cuộc đàm phán. Đây là giới hạn đỏ đối với châu Âu."
Mặc dù người phát ngôn của ông Lighthizer đã từ chối bình luận về phát biểu trên của bà Malmstrom, song Thượng nghị sỹ Mỹ Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tài chính thương viện Mỹ về thuế và thương mại, cho biết một thỏa thuận thương mại Mỹ-EU không bao gồm lĩnh vực nông nghiệp sẽ "khó có thể" nhận được sự phê chuẩn tại Quốc hội Mỹ.
Ông nhấn mạnh nông nghiệp là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế toàn cầu và do đó việc loại trừ vấn đề này khỏi các cuộc đàm phán thương mại là "vô lý."
Hồi tháng 7/2018, EU và Mỹ đã nhất trí ngừng các động thái thương mại gây căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không áp thuế đối với ôtô nhập khẩu EU.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương lại gia tăng khi Mỹ mới đây áp thuế đối một số hàng hóa của EU với tổng giá trị lên tới 11 tỷ USD, trong đó có máy bay thương mại cỡ lớn, phụ tùng máy bay.
Số tiền này tương đương với mức thiệt hại mà Mỹ cho là nước này phải phải hứng chịu do các khoản trợ cấp của châu Âu đối với các hãng chế tạo máy bay.
EU và Mỹ đã tranh cãi hơn 10 năm qua trong lĩnh vực chế tạo máy bay. Hai bên cáo buộc lẫn nhau trợ cấp trái quy định cho các hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing, theo đó hai bên cùng khiếu nại tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
EU và Mỹ đều được cho là đã trợ cấp hàng tỷ USD cho hai hãng này để giành lợi thế trên thị trường máy bay toàn cầu./.