Các nước EU thống nhất khởi động đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã quyết định mở đường cho việc bắt đầu đàm phán thương mại chính thức với Mỹ. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế đối với EU về các khoản trợ cấp của khối liên minh dành cho hãng hàng không Airbus và EU cũng chuẩn bị phương án áp thuế trả đũa với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Liên minh châu Âu hiện có thể khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sau khi các quốc gia thành viên ngày 15/4 đã bỏ phiếu để phê chuẩn các nhiệm vụ đàm phán do Ủy ban châu Âu đưa ra với đa số phiếu đồng ý.
EU hiện có mối quan hệ thương mại căng thẳng với Washington, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ đánh thuế đối với ô tô nhập khẩu và các sản phẩm khác của châu Âu. Cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ được “bật đèn xanh” với các tín hiệu tích cực, trong đó 28 nước thành viên của EU đã đấu tranh trong nhiều tháng để thống nhất các nhiệm vụ đàm phán cho cuộc đàm phán thương mại xuyên Đại Tây Dương, thống nhất để khởi động cuộc đàm phán chính thức với Washington. Pháp là quốc gia đã cố gắng thúc đẩy đàm phán thương mại cho đến sau khi cuộc bầu cử của EU diễn ra. Các nhiệm vụ đàm phán của Ủy ban châu Âu đưa ra bao gồm cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và đơn giản hóa các thủ tục cho doanh nghiệp để các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của EU và Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Jean Claude Juncker - tán thành quyết định của các quốc gia thành viên EU, cho biết rằng EU và Mỹ sẽ bước vào "một giai đoạn mới" trong mối quan hệ của họ. Còn trong cuộc họp báo ngày 15/4, Cao ủy thương mại châu Âu - Cecila Malmstrom - khẳng định EU "sẵn sàng ngay" và thông báo cho phía Mỹ để khởi động đàm phán chính thức. Phía EU hy vọng khi các nước đã thống nhất bắt đầu đàm phán thì có thể tiến trình diễn ra khá nhanh, đặc biệt “quyết tâm” hoàn thành trong nhiệm kỳ này của Ủy ban châu Âu, tức là trước ngày 31/10.
Trong bối cảnh của tranh chấp thương mại leo thang, hiệp định thương mại mà EU và Mỹ theo đuổi có phạm vi khá hạn chế như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker và Tổng thống Donald Trump đã đồng ý tại Washington vào tháng 7 năm ngoái. Sau đó, Mỹ đã cáo buộc EU chậm trễ và đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng ô tô nhập khẩu. Ủy ban châu Âu đưa ra các nhiệm vụ đàm phán vào tháng 01, nhưng cơ quan điều hành của EU cần sự ủng hộ của các quốc gia thành viên để bắt đầu đàm phán chính thức với Washington.
Việc đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ được khởi động chính thức là thông tin tích cực nhất trong thời điểm tranh chấp Airbus - Boeing đang ở giai đoạn căng thẳng. Tổng thống Trump đã tăng cường các đe dọa thương mại của mình khi tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế mới với khoảng 12,5 tỷ USD hàng hóa nhằm chống lại trợ cấp của EU. Khối liên minh cũng lên kế hoạch chống lại bằng việc tăng thuế trị giá 22 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu Mỹ. Cả hai bên đã cáo buộc lẫn nhau về việc trợ cấp bất hợp pháp cho các tập đoàn hàng không Boeing và Airbus trong hơn một thập kỷ qua.
Để đạt được thống nhất trong nội bộ EU đã mất khá nhiều thời gian vì trước đó Pháp lo ngại về những thất bại trong nước từ đàm phán thương mại nên đã dẫn đầu một số nước chống lại việc đàm phán với Mỹ. Nước này đã tìm cách đẩy nhiệm vụ đàm phán đến sau cuộc bầu cử nghị viện EU dự kiến vào ngày 23-26/5 vì cho rằng việc ứng phó với Tổng thống Trump có thể tác động đến cuộc bỏ phiếu của EU.