EU: Thị trường duy nhất tăng xuất khẩu hóa chất vào Việt Nam
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, quý II/2023, trong số các nhà cung cấp hóa chất lớn cho Việt Nam, EU là thị trường duy nhất chứng kiến kim ngạch tăng.
EU là thị trường cung cấp hóa chất lớn thứ 7 cho Việt Nam
Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, quý II/2023, kim ngạch nhập khẩu hóa chất của Việt Nam từ thị trường EU đạt 165,7 triệu USD, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu hóa chất từ thị trường EU đạt 236,1 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm tỉ trọng 5,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hóa chất của Việt Nam.
EU là thị trường cung cấp hóa chất lớn thứ 7 cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Trong đó Đức là nhà cung cấp hóa chất chủ yếu cho Việt Nam trong Liên minh châu Âu.
Quý II/2023, kim ngạch nhập khẩu hóa chất của Việt Nam từ Đức đạt 130,9 triệu USD, tăng 73,9% so với cùng kỳ năm 2022. Italia là nhà cung ứng lớn thứ 2, đạt 9,9 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là các thị trường Pháp, Bỉ, Áo, Bungaria...
Sau 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu hóa chất từ thị trường Đức đạt 182,4 triệu USD, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 77,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng từ thị trường EU; nhập khẩu từ thị trường Italia đạt 15,9 triệu USD, giảm 0,1%, chiếm tỷ trọng 6,7%.
Nhập khẩu các chủng loại Silic, Natri clorate tăng mạnh
Nhập khẩu hóa chất từ EU tăng trong nửa đầu năm 2023 chủ yếu do Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu nhiều chủng loại hóa chất như Silic, Natri clorate.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, Silic là mặt hàng hóa chất có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 121,5 triệu USD, 3,5 nghìn tấn, tăng 76,4% về kim ngạch và tăng 61,3% về lượng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, Natri carbonate là mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ thị trường EU với số lượng lớn nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu Natri carbonate từ EU đạt 16,8 nghìn tấn, trị giá 6,09 triệu USD, giảm 23,1% về lượng, nhưng tăng 15,7% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2022.
Ở chiều ngược lại, theo Eurostat, Việt Nam là thị trường xuất khẩu hóa chất lớn thứ 18 của EU trong 4 tháng đầu năm 2023, tăng 2 bậc so với cùng kỳ năm 2023, là thị trường có mức tăng trưởng khả quan, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong bối cảnh ngành hóa chất khu vực đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo Hội đồng Công nghiệp hóa chất châu Âu (CEFIC), sản xuất hóa chất của EU trong năm 2023 dự kiến sẽ giảm khoảng 8% so với năm trước do nhu cầu hóa chất ở châu Âu chưa phục hồi và hoạt động xuất khẩu giảm. Đầu năm 2023, ngành hóa chất châu Âu chưa có dấu hiệu phục hồi sau khi sụt giảm sản lượng trong quý IV/2022. Quý I/2023, sản lượng sản xuất của ngành hóa chất châu Âu giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu tiêu thụ hóa chất trong khu vực cũng như xuất khẩu còn yếu, tồn kho hóa chất vẫn ở mức cao.
Theo thống kê của Eurostat, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hóa chất vô cơ và hữu cơ của EU sang các thị trường ngoài khối đạt 28,5 tỷ Euro, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Có thể thấy, mặc dù là thị trường xuất khẩu hóa chất nhỏ của EU trong các thị trường ngoài khối với tỷ trọng chỉ chiếm 0,6%, nhưng Việt Nam là thị trường xuất khẩu tiềm năng của EU với tỷ lệ tăng trưởng cao trong các tháng đầu năm 2023.
11.478 dòng thuế hưởng ưu đãi nhập khẩu từ EU vào Việt Nam
Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Quý II/2023, trong số các nhà cung cấp hóa chất lớn cho Việt Nam, EU là thị trường duy nhất chứng kiến kim ngạch tăng., Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ này tương ứng là 98,3% số dòng thuế và 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2022/NĐ-CP quy định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2022 - 2027.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, bên cạnh 27 nước thành viên EU, các vùng lãnh thổ được áp dụng ưu đãi thuế quan bao gồm Công quốc Andora và Cộng hòa San Marino như đã quy định tại Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ. Ngoài ra, Nghị định 116/2022/NĐ-CP bổ sung vùng lãnh thổ Ceuta và Mellila vào danh mục được áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định EVFTA. Đây là quy định mới so với quy định về lãnh thổ thành viên EU được hưởng ưu đãi thuế quan đã có tại Nghị định 111/2020/NĐ-CP.
Theo Nghị định có hiệu lực từ ngày 30/12/2022 này, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa EU vào Việt Nam gồm 11.478 dòng thuế, trong đó có 122 dòng thuế chi tiết theo cấp độ 10 số. Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định EVFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện là thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành theo Nghị định này; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Hiệp định EVFTA.