EVFTA, mừng và lo
Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 nước thành viên (cho đến khi Anh chưa kết thúc đàm phán về việc rời khỏi tổ chức này), dân số 508 triệu người và là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 18 nghìn tỷ USD.
Dự kiến đầu năm 2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến được trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Có thể nói EVFTA sẽ tác động hầu khắp các ngành/lĩnh vực kinh tế nước ta. Dự kiến, khi EVFTA có hiệu lực sẽ làm tăng GDP của Việt Nam 0,5% mỗi năm và đến năm 2025 sẽ thúc đẩy tăng trưởng thêm 7 - 8%.
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Theo cam kết, EU sẽ xóa bỏ 84% dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ nước ta ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong 7 năm tiếp theo, hơn 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho nước ta. Vì thế, EVFTA chính thức có hiệu lực thực thi được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU tăng trưởng nhanh so với hiện nay.
Song song với việc doanh nghiệp sản xuất Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp về phòng vệ thương mại như là những công cụ để bảo vệ hàng hóa của mình tại thị trường nội địa thì thách thức đặt ra không nhỏ đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi có lợi thế về thuế quan, phi thuế quan từ Hiệp định.
Hàng hóa xuất khẩu giá rẻ của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá bởi Ủy ban Liên minh châu Âu. Hàng hóa xuất khẩu được trợ cấp cũng có nguy cơ bị điều tra và áp dụng biện pháp đối kháng.
Hàng hóa xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam, nếu xuất khẩu ồ ạt cũng có nguy cơ bị điều tra tự vệ vượt ngưỡng dẫn đến việc tăng thuế trở lại hoặc ngừng cắt giảm thuế đối với mặt hàng ấy. Trong điều kiện chúng ta chưa xây dựng đầy đủ và sử dụng hiệu quả các hàng rào thương mại để bảo vệ thị trường trong nước thì đây sẽ là những khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Để tận dụng tối đa cơ hội, hạn chế tối đa thách thức từ EVFTA, cần quán triệt việc rút ngắn thời gian từ tư duy, đến hành động của Chính phủ, các bộ, ngành… trong việc nhanh chóng có những biện pháp hỗ trợ tích cực và thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi lợi thế tuyệt đối không còn, lợi thế tương đối đang mất dần, chúng ta cần phải xác định rõ vai trò nòng cốt của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế nói chung, và là điều kiện để hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, có thể tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, cả Chính phủ và doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy định và cam kết của EVFTA để có thể thụ hưởng một cách hiệu quả các ưu đãi ta đã cố gắng để đạt được thông qua đàm phán, đồng thời chuẩn bị kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh để phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế quan và xây dựng các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa, không để doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn doanh nghiệp nội địa.
Một việc quan trọng khác là tập trung nghiên cứu và dự báo xu hướng thị trường, xu hướng áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại từ các nước EU để cảnh báo sớm cho tất cả đối tượng tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai thực hiện chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Vừa qua, công tác hoạch định, thực thi chính sách của chúng ta còn thiếu vắng sự tham gia của các tổ chức độc lập (các viện, trường, hiệp hội, doanh nghiệp…) nên hiệu quả thực thi một số chính sách chưa cao, đôi khi là thiếu hiệu quả. Tới đây, Nhà nước cần nhìn nhận, đánh giá lại vai trò và tăng cường sự tham gia của các cơ quan/tổ chức tư pháp độc lập trong nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực thi các chính sách nói chung và EVFTA .