FDI chảy mạnh, Việt Nam được bao nhiêu?
(Tài chính) Với 17,33 tỷ USD đăng ký cả cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng, mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2014 đã đạt - Bộ KH&ĐT đánh giá.
Số liệu của Bộ này cũng cho thấy trong 11 tháng đầu năm, vốn FDI giải ngân đạt 11,2 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2013. Dự kiến năm 2014, vốn FDI giải ngân sẽ đạt khoảng 12 tỷ USD. Chỉ trong tháng 10/2014 có tới 2,32 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới cũng là dấu hiệu khá tích cực.
Còn theo đánh giá của ông Hideo Okubo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của Forval (Nhật Bản), dòng vốn đầu tư Nhật vào Việt Nam chậm lại nhưng chỉ mang tính tạm thời. Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư được lựa chọn hàng đầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những mảng sáng, nói về những đóng góp của khối doanh nghiệp (DN) FDI, các chuyên gia kinh tế luôn đặt câu hỏi: Việt Nam được bao nhiêu trong tổng kim ngạch xuất khẩu không hề nhỏ của các DN này?
Chưa thể yên tâm
Câu trả lời chưa thể khiến chúng ta yên tâm. “Chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao” - nhận định này gần như có trong tất cả các bản báo cáo về tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Huỳnh Đắc Thắng thừa nhận, khu vực FDI đã đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, nhưng DN FDI xuất khẩu lớn, thì nhập khẩu cũng nhiều và chủ yếu sản xuất với phương thức lắp ráp, gia công, nền kinh tế Việt Nam chưa thu được nhiều lợi ích từ những hoạt động này.
“Ở Việt Nam, việc chuyển giao công nghệ được thực hiện chủ yếu giữa các DN nghiệp nội địa. Việc học hỏi công nghệ, nhất là công nghệ của DN FDI không hề dễ dàng nếu không có chính sách hỗ trợ đầu tư bài bản”. Đây là nhận định tại Hội thảo công bố Báo cáo "Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ DN tại Việt Nam: Kết quả điều tra năm 2013” tổ chức 11/2014 tại Hà Nội.
Không chỉ có thế. Kinh tế khó khăn, việc có những chủ DN FDI bỏ trốn đang gia tăng gây bức xúc trong dư luận. Ngoài việc nợ tiền bảo hiểm xã hội, có không ít DN nợ tiền thuế ở mức cao.
Ông Nguyễn Đức An, Luật sư Điều hành Công ty Luật Thiên Bình (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hành vi trên thể hiện việc nhà đầu tư không tuân thủ “luật chơi”, đồng thời phản ảnh thiếu sót về khung pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Để FDI hợp lực với DN trong nước
Tuy nhiên, GS., TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài lại có một cái nhìn khác. Ông khẳng định không thể coi nhẹ những tác động tiêu cực của FDI về môi trường, chuyển giá, trốn thuế…, nhưng lấy những cái tiêu cực để đánh giá chung vai trò của FDI là hết sức sai lầm.
Ông cho rằng quan điểm lo ngại khu vực FDI lấn sân, chiếm thị phần của DN Việt, là cái nhìn phiến diện. Các DN FDI đã có những đóng góp to lớn với ngân sách và giải quyết việc làm…
“Đây không phải là lúc kỳ thị, đánh giá thấp khu vực FDI, mà phải làm sao để động lực tăng trưởng này cùng với ba động lực khác là khu vực nông nghiệp, DN nhà nước và DN tư nhân, tạo thành hợp lực phát triển với tốc độ nhanh, hiệu quả kinh tế - xã hội cao theo hướng bền vững” – ông Mại khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng, để Việt Nam có thể “tận dụng” được cơ hội từ FDI để nâng cao trình độ của nền kinh tế, phải tháo gỡ bằng những giải pháp đồng bộ theo hướng giám sát chặt hơn hoạt động của các DN FDI. Bên cạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thu hút FDI, cần phải có giải pháp để “nắn” dòng vốn FDI chảy vào những lĩnh vực công nghệ cao, giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước làm chủ được công nghệ cũng như kỹ năng quản trị hiện đại và nâng cao trình độ…
Đồng thời, hỗ trợ các DN trong nước nhanh chóng vượt qua sự trì trệ trong sản xuất kinh doanh. Có chính sách khuyến khích, mở rộng mối liên kết giữa DN FDI với DN trong nước.
Điều cần làm ngay để các DN tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu là hình thành công nghiệp hỗ trợ cho từng ngành hàng, tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Theo GS. Nguyễn Mại, “chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội lớn như bây giờ để thu hút các công ty xuyên quốc gia đến đầu tư tại Việt Nam, biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất của họ”.
Thực tế cho thấy Việt Nam đã và đang trở thành cứ điểm của thế giới trong sản xuất một số sản phẩm điện tử như máy tính bảng, điện thoại di động, đồ điện tử gia dụng, chíp điện tử... Riêng dự án của Samsung ở TP. Hồ Chí Minh - dự án tỷ USD thứ hai vào Việt Nam trong năm nay đã có vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. Dự án tỷ USD thứ nhất cũng thuộc về đại gia công nghệ này. Hoàn toàn có khả năng trong năm sau hoặc giai đoạn 5 năm tiếp theo, Việt Nam sẽ trở thành cứ điểm sản xuất của các công ty xuyên quốc gia công nghệ cao.
GS. Nguyễn Mại nhận định: “Khi quyết định dành nhiều ưu đãi đặc biệt cho một số dự án, Chính phủ đã có tầm nhìn dài hạn về tác động đối với tăng trưởng kinh tế của các dự án công nghệ cao có vốn đầu tư hàng tỷ USD. Thực tế đã chứng minh đó là quyết sách đúng đắn. Làn sóng đầu tư của các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, chính là câu trả lời cho việc những năm gần đây, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao đã gia tăng nhanh chóng”.