Fed thu hẹp chính sách tiền tệ, Việt Nam thận trọng trước nguy cơ lỡ nhịp
Trước động thái thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Fed, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về nguy cơ lỡ nhịp của Việt Nam so với kinh tế thế giới.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ rút lại các biện pháp kích thích kinh tế sớm hơn vào cuối tháng 3 năm sau, và điều này sẽ cho phép Fed tăng lãi suất từ tháng 5/2022.
Theo đó, Fed sẽ mua 60 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng bắt đầu từ tháng 1, bằng một nửa mức trước mức thu vào tháng 11 và ít hơn 30 tỷ USD so với mức mua vào tháng 12. Fed đã giảm 15 tỷ USD mỗi tháng vào tháng 11, gấp đôi vào tháng 12, sau đó sẽ đẩy nhanh mức giảm hơn nữa vào năm 2022. Lịch trình tăng lãi suất đã được đưa ra, với dự kiến có tới ba lần tăng lãi suất trong năm tới, tiếp theo là hai lần khác vào năm 2023, đưa lãi suất chuẩn của Fed lên 1,6%.
Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo rằng: "Nền kinh tế đã không còn cần chính sách hỗ trợ". Ông đối chiếu tình hình kinh tế gần như suy thoái trong bối cảnh đại dịch 2020 với môi trường hiện tại. Giá cả và tiền lương tăng đã nhanh chóng cải thiện thị trường việc làm.
Trước động thái thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Fed, nhiều chuyên gia kinh tế đã từng cảnh báo về nguy cơ lỡ nhịp của Việt Nam so với các nước. Theo đó, trong 2 năm 2020-2021, trước sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Trung ương các nước đã tích cực tung ra các gói hỗ trợ lớn để cứu nguy cho nền kinh tế và kinh tế thế giới cũng tăng tốc mạnh mẽ, mà tốc độ tăng trưởng của Việt Nam lại chậm lại. Nếu năm 2022, Việt Nam mới đưa ra các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, mà bối cảnh các nước đã thực hiện xong rồi, chuẩn bị đến giai đoạn siết chặt lại vì e ngại lạm phát, mà có nhiều thị trường quan trọng của Việt Nam thì nguy cơ bị lỡ nhịp là rất rõ.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, ông vẫn ủng hộ việc đẩy lượng tiền vào lưu thông để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam phục hồi. Điều quan trọng là phương pháp đẩy như thế nào và đẩy có mạnh mẽ không để đạt được hiệu quả.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ mà Việt Nam duy trì nới lỏng sẽ đặt ra thách thức là VND có nguy cơ mất giá do cung tiền. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải tính đến rủi ro khi tỷ giá thay đổi và các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ rút về các thị trường phát triển với mức lãi suất hấp dẫn hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Theo đánh giá của CTCK VNDirect, diễn biến của VND trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát của dịch bệnh và hồi phục sản xuất tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, tín hiệu quan trọng để có thể thu hút dòng vốn FDI giải ngân mới.
Đối với thị trường chứng khoán, phản ứng tích cực trước kết luận của các cuộc họp trên, các chỉ số chứng khoán của Việt Nam vẫn mở cửa trong sắc xanh sáng 16/12. Mặc dù vậy, chia sẻ với báo chí, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn đưa ra cảnh báo rủi ro, bên cạnh các yếu tố tích cực.
Cụ thể, trên bình diện quốc tế, các ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục đưa ra các tín hiệu để áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đối phó với khả năng lạm phát. Việc các nước thu hẹp dần các gói nới lỏng tiền tệ hoặc các gói hỗ trợ nền kinh tế sẽ có ảnh hưởng đến lượng tiền “bơm” vào thị trường chứng khoán.
Còn theo góc nhìn lạc quan của Chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari, ông không quá lo ngại động thái mới này của Fed sẽ kích hoạt một đợt điều chỉnh thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Bởi những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng là do có quá ít USD dự trữ và/hoặc có quá nhiều nợ bằng đô la Mỹ.
Ông Michael Kokalari nhận định, Việt Nam hiện có dự trữ USD ước tính khoảng 100 tỷ USD, cao hơn gần 10% so với mức khuyến nghị tối thiểu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Hơn nữa, khoản nợ bằng USD của Việt Nam khá khiêm tốn, đây là điểm dễ bị tổn thương lớn khác đối với các nước thuộc thị trường mới nổi (EM) trong quá trình QE giảm dần, theo nghiên cứu của Fed.
Đáng chú ý, một phần đáng kể nợ nước ngoài của Việt Nam về cơ bản là các khoản vay ưu đãi dành cho các tổ chức cho vay siêu quốc gia, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới (WB), với các điều khoản ưu đãi. Như vậy, khoản nợ này không làm tăng tính dễ bị tổn thương của Việt Nam trước các điều kiện tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn.
“Thực tế, Fed chịu áp lực giảm QE vì việc in tiền hàng tháng của họ đã thúc đẩy bong bóng bất động sản của Mỹ với tỷ lệ lớn và đẩy thị trường chứng khoán trên toàn thế giới lên những đỉnh cao khó lường. Dù các nhà phân tích lo ngại về tác động tiềm tàng của việc QE của Mỹ giảm dần đối với các EM, thì Việt Nam vẫn đứng ngoài cuộc và không nên bị tác động tiêu cực vì nước này ở một vị trí khác và tốt hơn so với nhiều thị trường khác”, ông Michael Kokalari bày tỏ tin tưởng.