Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu giai đoạn hậu COVID-19
Sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM), hoạt động XTTM đã chuyển đổi mạnh mẽ, giúp duy trì sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất khẩu trong năm 2021.
Ngày 15/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần khôi phục và phát triển kinh tế”.
Đây lần thứ 8 diễn đàn xúc tiến xuất khẩu (XK) được tổ chức nhằm tạo một diễn đàn chuyên sâu cho các chuyên gia trong và ngoài nước, các hiệp hội ngành hàng, địa phương đóng góp ý kiến nhằm tìm ra phương thức xúc tiến XK phù hợp, hiệu quả.
Báo cáo tại Diễn đàn, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động XTTM với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã hỗ trợ DN đẩy mạnh XTTM. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngân sách dành cho chương trình bị cắt giảm. Nhiều đề án xúc tiến XK triển khai tại nước ngoài phải hủy hoặc chuyển sang phương thức thực hiện trực tuyến.
Năm 2021, Bộ Công Thương trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt DN thực hiện XTTM trên môi trường số. Bên cạnh đó, việc tham gia, tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế cũng được Bộ Công Thương tổ chức trên môi trường số.
“XTTM trên môi trường số đã trở thành giải pháp hiệu quả để hỗ trợ DN kết nối với thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đồng thời cũng là một phương thức phù hợp với tiến trình chuyển đổi số quốc gia và xu thế thương mại quốc tế. Kết quả của hoạt động XTTM trên môi trường số đã giúp DN XK tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng”, lãnh đạo Cục XTTM khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng nhận định, năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong đó có xuất khẩu nói chung và các hoạt động xúc tiến XK nói riêng do tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM), hoạt động XTTM đã chuyển đổi mạnh mẽ, giúp duy trì sản xuất và XK, đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động XK trong năm 2021.
Tính đến hết tháng 11/2021, kim ngạch XK hàng hóa đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch XK năm 2021 ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020.
Trong năm 2021, hoạt động XTTM đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức. Trong đó có việc thử nghiệm và nhân rộng các mô hình XTTM mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Nhờ đó, các hoạt động XTTM được duy trì và triển khai mạnh mẽ, được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao.
Diễn đàn cũng thu hút sự tham gia chia sẻ của các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế về triển vọng của một số khu vực thị trường XK tiềm năng giai đoạn sau COVID-19, trong đó có các thị trường lớn, quan trọng ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Chia sẻ về tiềm năng XK sang thị trường châu Âu, ông Bartosz Cieleszynsky - Bí thư thứ nhất, Phó Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: Một năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể XK của Việt Nam sang thị trường châu Âu. Đây cũng có thể coi là một công cụ quan trọng giúp các nhà XK từ châu Âu và Việt Nam vượt qua những trở ngại do sự bùng phát của COVID-19 và gián đoạn cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Bartosz Cieleszynsky cũng lưu ý doanh nghiệp, thị trường 500 triệu dân của châu Âu rất có tiềm năng nhưng có những đòi hỏi khắt khe về tính tuân thủ. Các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu rất cao nhưng người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng. Ông cũng kêu gọi các DN chủ động hơn và thích ứng với thị trường mới để có thể biến thách thức thành cơ hội.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam - ông Andrew Jeffries bày tỏ: Thương mại toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, tương đối nhanh so với cuộc khủng hoảng năm 2009. Xu hướng trước đại dịch dự kiến sẽ bắt kịp vào cuối năm 2022. Sự hồi phục về nhu cầu thị trường và khởi sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực đem lại nhiều cơ hội cho XK của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần khắc phục những thách thức để giảm chi phí thương mại; hỗ trợ DN nhỏ và vừa tích hợp vào chuỗi cung ứng hướng tới khả năng phục hồi.
Theo dự báo của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, năm 2022 thị trường thế giới có nhiều khởi sắc khi nhu cầu tăng, sản xuất bắt đầu hồi phục là cơ sở tốt cho Việt Nam thúc đẩy XK. Tuy nhiên làm được điều này không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh chưa thể đánh giá được tác động của biến thể Omicron tới thị trường thế giới.
Thế nhưng, những dấu hiệu khởi sắc của thị trường đã rất rõ rệt, để tận dụng cơ hội này, tại diễn đàn, đại diện cho khối Sở Công Thương địa phương, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề xuất: Bộ Công Thương kịp thời tháo gỡ khó khăn về những vướng mắc liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu, chính sách phát triển hạ tầng logistics để thành phố triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các dự án hỗ trợ phát triển thương mại. Tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình XTTM theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào thị trường truyền thống và tiềm năng. Tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn kịp thời về chủ trương chính sách và cập nhật thường xuyên về tình hình thị trường quốc tế để có các biện pháp thích nghi, phù hợp với hoàn cảnh mới khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.