Fitch có thể nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên BB-
(Tài chính) Fitch Ratings cho rằng rất có khả năng Việt Nam sẽ được nâng xếp hạng tín nhiệm khi các tín hiệu tăng tốc của nền kinh tế đẩy giá trái phiếu tăng mạnh, qua đó kéo lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm xuống thấp kỷ lục.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm 10/09 tại London, người đứng đầu bộ phận xếp hạng tín nhiệm quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Fitch, Andrew Colquhoun, cho biết tổ chức này có thể nâng một bậc xếp hạng của Việt Nam từ mức “B+” như hiện nay lên “BB-”, tức còn thấp hơn cấp độ đầu tư 3 bậc nhờ sự cải thiện của tình hình tài chính bên ngoài cũng như nền kinh tế.
Tại một hội nghị trước đó ở London, ông Colquhoun cho biết Fitch có thể nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam trong vòng 12-18 tháng tới. Hiện Standard & Poor’s (S&P) đang xếp hạng Việt Nam ở mức “BB-” và tháng 7 vừa qua Moody’s cũng nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên “B1”, thấp hơn 4 bậc so cấp độ đầu tư.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban kinh doanh Vốn và Tiền tệ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID) cho biết: “Nhận định của Fitch về việc nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam là một thông tin rất tốt đối với thị trường và sẽ hỗ trợ xu hướng gia tăng gần đây của thị trường trái phiếu nội địa”. Ông nói thêm: “Động thái đó sẽ thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào trái phiếu Việt Nam và củng cố quan điểm của nhà đầu tư trong nước”.
Trong khi đó, theo nhận định của ông Nguyễn Tấn Thắng, Trưởng phòng nghiên cứu trái phiếu của CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE: HCM), triển vọng của Fitch cho thấy thực tế rằng nhà đầu tư nước ngoài đang tin tưởng hơn vào nền kinh tế Việt Nam. Ông cho rằng, với tỷ giá ổn định, lợi suất trái phiếu Việt Nam thậm chí còn tốt hơn một số quốc gia khác.
Theo Bloomberg, trái phiếu Chính phủ Việt Nam sắp có tuần tăng giá thứ tư liên tiếp sau khi số liệu chính thức cho thấy lạm phát suy yếu tháng thứ 2 liên tiếp xuống còn 4,31% trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Bên cạnh đó, cán cân thương mại cùng kỳ cũng chuyển sang thặng dư 100 triệu USD, trái với mức thâm hụt 49 triệu USD trong tháng 7.
Kéo theo đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm cũng trượt xuống mức 5,91% trong ngày thứ Tư (10/09), mức thấp nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu thu thập dữ liệu hàng ngày từ các ngân hàng vào năm 2006.