G20 cảnh báo nguy cơ rủi ro thị trường tài chính

Theo Bloomberg

(Tài chính) Các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) vừa lên tiếng cảnh báo về các rủi ro trên thị trường tài chính, với lý do các nước đang ngày càng dựa vào các gói kích thích tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 G20 cảnh báo nguy cơ rủi ro thị trường tài chính
Các Bộ trưởng tài chính nhóm G20 cho biết sẽ theo dõi sự gia tăng các rủi ro tiềm năng trên thị trường tài chính, đồng thời tăng cường các khung chính sách. Nguồn: internet

“Chúng tôi quan tâm đến khả năng các rủi ro đang bị tích tụ quá mức trên các thị trường tài chính, đặc biệt là trong môi trường lãi suất thấp và biến động giá tài sản”, các quan chức nhóm G20 cho biết trong một thông cáo phát ra tại Cairns, Úc.

Nhóm G20 cho biết tình hình kinh tế ở một số nền kinh tế lớn đang được cải thiện, tuy nhiên tăng trưởng toàn cầu lại không đều. Các nhận xét này phản ánh một sự chắp vá trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ cuộc họp tháng 2 của nhóm này tại Sydney, Úc.

Trong khi Mỹ và Vương quốc Anh cho thấy nền kinh tế và thị trường chứng khoán đang tăng trưởng trở lại, thì châu Âu lại rơi vào nguy cơ giảm phát và khả năng Trung Quốc khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm nay.

“Điều quan trọng là chúng ta thực hiện các bước cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra công ăn việc làm. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các đòn bẩy có sẵn, bao gồm cả các chính sách đòn bẩy tài chính và tiền tệ bổ sung ở những chỗ thích hợp”, Bộ trưởng Tài chính Úc, Joe Hockey phát biểu với các phóng viên.

Rủi ro địa chính trị tăng cao cùng với sự chững lại trong triển vọng tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn không có nhiều tác động về mặt lâu dài đối với các thị trường tài chính lớn như Mỹ, châu Âu và châu Á, khi mà cả Cục dự trữ liên bang Mỹ, ngân hàng trung ương châu Âu và ngân hàng trung ương Nhật Bản đều sử dụng các gói kích thích tiền tệ.

“Nhìn chung, thanh khoản vẫn sẽ tiếp tục được nới lỏng kể cả khi Fed bắt đầu thắt chặt. Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có đem tới nhiều biến động hơn trên thị trường và liệu có khả năng các loại tài sản sẽ dễ bị biến động hơn không”, Todd Elmer, nghiên cứu trưởng khu vực châu Á (không gồm Nhật Bản) tại Citigroup bình luận.

Chỉ số Standard & Poor’s 500 đang có mức tăng trưởng kỷ lục với chuỗi tăng điểm theo quý dài nhất kể từ năm 1998. Chỉ số chứng khoán châu Âu, The Stoxx Europe 600 Index cũng tăng 5 trong 6 tuần trở lại đây, trong khi chỉ số chứng khoán các thị trường phát triển MSCI World Index cũng chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2009.

Các nhà đầu tư mất cảnh giác

Rủi ro từ khu vực “ngân hàng trong bóng tối” đang tăng cao. Mặc dù Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết các ngân hàng trung ương có đầy đủ các công cụ để đối phó với các rủi ro, nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc lãi suất được duy trì ở mức thấp có thể đe dọa ổn định của thị trường tài chính.

Các nhà đầu tư đang trở nên mất cảnh giác với các rủi ro trên thị trường tài chính. Các thị trường mới nổi năm ngoái đã bị ảnh hưởng xấu bởi triển vọng Fed giảm gói kích thích sẽ dẫn tới việc chảy máu vốn.

Các bộ trưởng tài chính nhóm G20 cho biết sẽ theo dõi sự gia tăng các rủi ro tiềm năng trên thị trường tài chính, đồng thời tăng cường các khung chính sách. Các nước này cũng khẳng định sẽ đáp ứng các cam kết tỷ giá hối đoái và ghi nhận “rủi ro sụt giá” do các căng thẳng địa chính trị.

Một quan chức giấu tên cũng yêu cầu các nhà đầu tư phải thận trọng trong việc chấp nhận những rủi ro quá mức. Cảnh báo này không được đưa ra trong thông cáo kết thúc cuộc họp do lo ngại sẽ gây ra phản ứng trên các thị trường tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Úc, Joe Hockey cho biết các biện pháp mà các nền kinh tế thành viên đề xuất đã giúp nhóm này đạt được 90% mục tiêu nâng tổng GDP của nhóm thêm 2%, hoặc hơn trong vòng 5 năm tới.

Từng nước sẽ đệ trình kế hoạch để đạt được mục tiêu tại hội nghị thượng đỉnh các các nhà lãnh đạo G20 vào tháng 11 tại Brisbane, Hockey cho biết.