Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc chao đảo dưới sức ép của Mỹ

Theo Thảo Cao/zing.vn

Nội bộ của nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi công ty lọt vào tầm ngắm của Washington và bị liệt vào danh sách cấm vận của Bộ Quốc phòng Mỹ.

 Ban lãnh đạo của gã khổng lồ SMIC rơi vào tình trạng hỗn loạn trước thông tin đồng CEO từ chức. Ảnh: Reuters.
Ban lãnh đạo của gã khổng lồ SMIC rơi vào tình trạng hỗn loạn trước thông tin đồng CEO từ chức. Ảnh: Reuters.

Theo CNN, ban lãnh đạo của một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc vừa bị rơi vào tình trạng hỗn loạn. Hôm 16/12, Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc - thừa nhận đang cố gắng xác minh các báo cáo của truyền thông nhà nước nước này.

Theo những báo cáo này, đồng CEO Liang Mong Song của SMIC từ chức để phản đối việc bổ nhiệm ông Chiang Shang Yi vào hội đồng quản trị. Ông Chiang là cựu đồng COO của nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC.

SMIC không tiết lộ đang đề cập đến báo cáo nào. Tuy nhiên, trong một tuyên bố gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, họ khẳng định ông Liang "sẵn sàng từ chức trong một số trường hợp nhất định".

"Công ty hiện cố gắng xác minh ý định thực sự của ông Liang. Mọi thông báo tiếp theo về vấn đề này sẽ được đưa ra vào thời điểm thích hợp", tập đoàn khẳng định.

Mâu thuẫn nội bộ

Tình trạng hỗn loạn bên trong ban lãnh đạo của SMIC diễn ra vào giữa giai đoạn khó khăn của nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc. Tập đoàn đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Mỹ khi Tổng thống Donald Trump liên tục giáng đòn lên các tập đoàn nhà nước Trung Quốc trong những tuần cuối ở Nhà Trắng.

SMIC là chìa khóa quan trọng đối với mục tiêu tự chủ chất bán dẫn của chính quyền Bắc Kinh, nhằm tiếp nhiệt lượng cho tham vọng dẫn đầu về công nghệ trong tương lai.

Truyền thông Trung Quốc, bao gồm Nhật báo Economic Information và Beijing News, đã đăng một lá thư từ chức của ông Liang. Theo đó, ông cảnh báo rằng áp lực từ phía Mỹ đang "đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển công nghệ tiên tiến tại SMIC". Đồng thời, vị CEO cho biết ông lo lắng về việc bổ nhiệm hội đồng quản trị.

"Tôi tin rằng đề xuất nhân sự hiện tại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của công ty", ông cảnh báo.

"Tôi rất bất ngờ và khó hiểu trước quyết định này. Trước đó, tôi không hề biết gì về nó. Tôi thực sự cảm thấy rằng mình không còn được tôn trọng và tin tưởng nữa", ông Liang viết trong lá thư.

Đến nay, thực hư của bức thư vẫn chưa được xác thực. Các nhà phân tích tại hãng Bernstein cho biết ông Liang đã bỏ phiếu trắng cho việc bổ nhiệm ông Chiang.

"Ông Liang là người trực tiếp đóng góp cho những tiến bộ mới đây của SMIC. Vì thế, sự ra đi của ông này sẽ gây phản ứng tiêu cực trên thị trường", các chuyên gia tại Bernstein bình luận.

Họ nhấn mạnh rằng ông Liang đã "đích thân dẫn dắt sự phát triển công nghệ của SMIC". Do đó, tập đoàn sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc có thể đứng trước nguy cơ tụt lại phía sau trong tương lai nếu thông tin ông Liang từ chức là thật. Sau thông tin, cổ phiếu SMIC sụt giảm lần lượt 5% và 5,5% trên sàn Hong Kong và Thượng Hải.

Sức ép từ Washington

Trong thời gian gần đây, SMIC lọt vào tầm ngắm của chính quyền Washington khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Lệnh cấm vận SMIC sẽ là cú đòn giáng thẳng vào tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Thông qua những tập đoàn như SMIC, nước này đang cố đuổi theo phương Tây về công nghệ sản xuất chip và đã đầu tư hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp này với hy vọng xây dựng tập đoàn "cây nhà lá vườn".

Phần lớn nguồn cung cấp chip của Trung Quốc hiện đến từ các công ty nước ngoài. Những công ty này cung cấp nguyên vật liệu cho mọi sản phẩm, từ điện thoại thông minh, máy tính đến thiết bị viễn thông Trung Quốc. Năm ngoái, quốc gia tỷ dân nhập khẩu khối lượng chip trị giá 306 tỷ USD, tương đương 15% tổng giá trị nhập khẩu của cả nước, theo thống kê của chính phủ.

Bắc Kinh đã cam kết cải tiến công nghệ sản xuất chip. Hồi đầu năm nay, SMIC khẳng định muốn đầu tư mạnh tay vào công nghệ và bắt kịp các đối thủ trên toàn cầu. Hầu hết cổ đông lớn của SMIC là doanh nghiệp quốc doanh.

Trên thực tế, SMIC vẫn đi sau các công ty hàng đầu trong ngành như Itel, Samsung và TSMC từ 3-5 năm phát triển. Giới phân tích nhận định họ còn một chặng đường dài để trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Thêm vào đó, áp lực từ Washington có thể khiến mục tiêu càng trở nên xa vời hơn.

Hôm 3/12, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa SMIC, hãng năng lượng CNOOC và một số doanh nghiệp khác vào danh sách công ty thuộc sở hữu hoặc chịu kiểm soát của quân đội Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các công ty này sẽ bị cấm vận và các nhà đầu tư Mỹ sẽ không thể rót tiền vào chúng.

Trên thực tế, Nhà Trắng đã đưa SMIC vào tầm ngắm từ vài tháng trước và liên tục cảnh báo doanh nghiệp Mỹ không làm ăn với công ty này.

Trước đó, SMIC khẳng định việc bị nằm trong danh sách "không có tác động đáng kể" đối với tập đoàn. Họ cũng phủ nhận việc có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, CNN nhận định bất cứ hạn chế nào đến từ phía Mỹ đều đáng lo ngại.

Chẳng hạn, các công ty Trung Quốc bị thêm vào một danh sách nhằm ngăn doanh nghiệp nước này tiếp cận nguồn cung hàng hóa và công nghệ Mỹ. Việc bị nằm trong danh sách khiến hoạt động kinh doanh toàn cầu của gã khổng lồ công nghệ Huawei tê liệt.

SMIC không bị liệt vào danh sách. Tuy nhiên, hồi tháng trước, công ty này cảnh báo các nhà đầu tư rằng những hạn chế xuất khẩu của Mỹ có thể trở thành mối lo ngại lớn trong tương lai.