Tại sao ông Biden chọn 1 phụ nữ gốc Trung Quốc làm đại diện thương mại Mỹ?
Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đã công bố thêm các lựa chọn nhân sự trong bộ máy nội các và đội ngũ cố vấn Nhà Trắng. Trong đó, đáng chú ý là bà Katherine Tai – một luật sư người Mỹ gốc Á đã được chỉ định làm Đại diện Thương mại Mỹ, phụ trách mối quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Katherine Tai, 45 tuổi, là trưởng cố vấn thương mại của Ủy ban Cách thức và Phương tiện của Hạ viện. Bà cũng đã từng làm việc cho Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) từ năm 2007 đến năm 2014.
Trong thời gian này, bà đã vươn lên trở thành một người đại diện cho Mỹ nhằm chống lại các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh từ năm 2011 đến năm 2014, kêu gọi nhiều đối tác thương mại khởi kiện thành công các vụ kiện chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ông Biden nói: "Bà Tai hiểu rằng nước Mỹ cần phải có một chiến lược sâu sắc hơn trong cách giao dịch nhưng theo cách làm cho tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn và không bỏ lại ai phía sau". Tổng thống đắc cử nói thêm rằng bà sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhóm chính sách phụ tránh lĩnh vực kinh tế, an ninh quốc gia và đối ngoại.
Nếu được Thượng viện phê chuẩn, bà Tai sẽ phụ trách vị trí quan trọng trong chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden, có nhiệm vụ đưa ra các quy định về nhập khẩu và đàm phán các điều khoản trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc cùng các quốc gia khác.
Bà Tai, một người Mỹ gốc Á, cũng có thể trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên làm Đại diện Thương mại Mỹ. Bà thông thạo tiếng Quan thoại, ngôn ngữ tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Cha mẹ bà sinh ra ở Trung Quốc đại lục và lớn lên ở Đài Loan. Họ chuyển đến Mỹ làm nghiên cứu sinh ngành khoa học vào những năm 1960, sau những cải cách nhập cư tạo điều kiện cho làn sóng người châu Á di cư đến Mỹ.
Cha của bà Tai đã trở thành một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed ở Maryland, giúp quân đội nước này tiến hành các phương pháp điều trị cho quân nhân Mỹ đã từng tham chiến trong chiến tranh ở Việt Nam.
Trong khi đó, mẹ của bà vẫn làm việc tại Viện Y tế Quốc gia, trung tâm nghiên cứu y tế của chính phủ Mỹ, phát triển các phương pháp điều trị chứng nghiện opioid.
Bà Tai sinh ra tại bang Connecticut, có cha mẹ là công dân Mỹ gốc Đài Loan. Sau đó, bà theo học tại Đại học Yale và Trường Luật thuộc Đại học Harvard. Bà thông thạo tiếng Quan Thoại và từng giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Sun Yat-sen (Quảng Châu, Trung Quốc) với tư cách là nghiên cứu sinh của Đại học Yale những năm 1990.
Giới quan sát cho rằng bà Tai sẽ có đủ gan dạ và bản lĩnh để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng bà có thể thực hiện nó theo một cách khác so với chính quyền Donald Trump: dưới sự bảo trợ của các tổ chức đa phương và cùng với các đối tác.
Ông Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu tại Quỹ Hinrich có trụ sở tại Hồng Kông và là nhà đàm phán thương mại Mỹ, đã viết trong một bài bình luận trực tuyến: "Bà Tai sẽ hoàn toàn thoải mái trong việc gây hấn với Trung Quốc khi cần thiết".
Ông hy vọng mức thuế quan của chính quyền Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc ít nhất sẽ được giữ nguyên như ban đầu, khi bà Tai chỉ đạo Văn phòng USTR tiến hành xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận Giai đoạn Một.
"Bà Tai cũng bày tỏ sự thoải mái với các khoản trợ cấp nhằm giảm bớt sự phụ thuộc quá mức của Mỹ vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc", ông Olson nói thêm.
Trong thời gian làm việc tại Văn phòng USTR, bà đã đưa một số vụ kiện chống lại Trung Quốc ra WTO.
Một chiến thắng đáng chú ý chính là việc Mỹ thách thức hạn ngạch xuất khẩu khoáng sản đất hiếm của Trung Quốc, vốn rất quan trọng để sản xuất các thiết bị công nghệ như iPhone và được cung cấp chủ yếu bởi Trung Quốc.
Bà Tai được ghi nhận là người đã góp công chính cùng với một số đối tác khác bao gồm Canada, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, trong vụ kiện đất hiếm chống lại Trung Quốc.
Trung Quốc đã phải bỏ hạn ngạch vào năm 2015, sau phán quyết của WTO vào năm 2014.
Với tư cách là luật sư thương mại của Đảng Dân chủ, bà là nhân tố quan trọng trong việc đàm phán với chính quyền Donald Trump nhằm thúc đẩy các biện pháp bảo vệ môi trường và lao động khắc nghiệt trong thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada. Thỏa thuận này đã được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng vào năm 2019.
Ông Olson viết rằng đây là một minh chứng cho khả năng của bà trong việc tìm ra điểm chung giữa những người ôn hòa và những người tiến bộ. Bên cạnh đó, tài năng của bà Tai trong việc giải quyết những thỏa hiệp khó khăn sẽ có tầm quan trọng lớn hơn khi chính quyền Joe Biden điều hướng chính trị trong nước.
"Bà Tai không chỉ mang chuyên môn, kinh nghiệm về thương mại vào công việc, mà còn cả khả năng giải quyết các vấn đề chính trị. Những kỹ năng đó sẽ cần thiết khi chúng tôi điều hướng chính sách thương mại thời hậu Donald Trump", cựu phó USTR Wendy Cutler viết trên Twitter.