Gà nhà đá nhau
(Tài chính) Cạnh tranh bằng cách chào giá thấp, thiếu liên kết của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Ta hại ta
Trong bài nói chuyện về những khó khăn của doanh nghiệp tại hội thảo chuyên đề “Chiến lược xuất khẩu sang Liên bang Nga và các nước Đông Âu - Kinh nghiệm và giải pháp”, được tổ chức ngày 19.12.2008, bà Nguyễn Thị Cúc, chủ nhiệm Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, bức xúc nêu ra một vấn đề: Tính đoàn kết của các doanh nghiệp Việt Nam quá yếu, cạnh tranh không lành mạnh.
Bà dẫn chứng bằng câu chuyện của chính doanh nghiệp mình. Giữa năm 2008, Ba Nhất nhận được đơn yêu cầu báo giá xuất khẩu của một doanh nghiệp châu Âu về mặt hàng mây tre. Đây là hợp đồng lớn trị giá vài triệu USD. Khi những điều khoản hợp đồng gần được thỏa thuận xong, phía đối tác yêu cầu doanh nghiệp của bà điều chỉnh giá lại. Họ cho biết, có một doanh nghiệp Việt Nam khác chào giá thấp hơn. Theo bà Cúc, doanh nghiệp Việt Nam chào giá thấp hơn “chơi không đẹp”. Bà cho biết, để đáp ứng đơn hàng lớn như vậy, ngoài Ba Nhất, ít doanh nghiệp nào có đủ khả năng. Giá mà Ba Nhất chào hàng đã là giá rất cạnh tranh.
Tương tự là câu chuyện của Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ai Cập, ông Đặng Ngọc Quang, kể về sự cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Đó là thời gian khi đoàn doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp sang Ai Cập xúc tiến thương mại, chủ yếu là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Trong buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp Ai Cập, một thương nhân nước này chuyên về gạo cho biết, họ đang cần nhập ngay một lượng gạo lớn từ Việt Nam. Tuy nhiên, khi Công ty Docimexco, đơn vị chuyên thu mua, chế biến và xuất khẩu gạo với sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm, chào giá, thì vị thương gia này cho hay giá này cao hơn nhiều so với giá của một doanh nghiệp Việt Nam khác.
Ông Quang cho biết, Docimexco lúc đó chỉ biết than rằng, mình là đơn vị trực tiếp mua hàng đầu nguồn từ nông dân mà vẫn còn bị cho là chào giá cao thì thật khó hiểu. Qua tìm hiểu, ông được vị thương gia Ai Cập cho hay, công ty chào giá thấp đó có tên là Nova. Một cái tên mà Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập chưa từng nghe đến. Do đó, Thương vụ đã nói với phía Ai Cập rằng, một công ty “không tên tuổi” thì không đáng tin cậy.
Cũng theo ông Quang, cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ diễn ra trong lĩnh vực gạo mà còn trong nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như thủy sản. “Khá nhiều khách hàng Ai Cập quan tâm tới cá tra, nhưng vướng mắc vẫn là chuyện giá cả, họ nói họ có thể mua được với giá thấp hơn”, ông cho hay.
Đây là một thực tế diễn ra từ lâu và ở rất nhiều thị trường trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Thùy, Phó giám đốc Công ty Hoa Sen Mekong, chuyên xuất khẩu cá tra, cá basa, cũng cho biết, mặt hàng cá tra, cá basa của Việt Nam được xem như độc quyền trên các thị trường. Tuy nhiên, sự cạnh tranh lại thường xảy ra giữa các doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp nên tự ý thức
Nhận định về tình trạng này, nhiều chuyên gia xuất khẩu cho rằng, việc một vài doanh nghiệp xuất khẩu tự giảm giá bán không chỉ gây thiệt hại cho chính họ, mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác cùng ngành hàng. Thực tế cho thấy, chỉ cần một doanh nghiệp nào đó chào giá xuất khẩu thấp, các nhà nhập khẩu sẽ vịn vào đó để gây khó khăn cho các doanh nghiệp cùng lĩnh vực khi đàm phán giá.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước tự gây khó khăn và nhận phần thiệt thòi về mình bằng việc hạ giá, các nhà nhập khẩu lại được hưởng lợi vì nhập được hàng giá rẻ. Thậm chí, theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, việc bán giá thấp là một hành động nguy hiểm vì các đối thủ sẽ lấy đó làm căn cứ để kiện ta bán phá giá.
Theo tìm hiểu của người viết, vấn đề cạnh tranh về giá trong xuất khẩu giữa các doanh nghiệp Việt Nam tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực như chè, cà phê, điều, dệt may, thủy sản, gạo… Nguyên nhân chính là một số doanh nghiệp chỉ vì lợi ích ngắn hạn, sâu xa hơn là do sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam quá yếu.
Nhiều người cho rằng, để doanh nghiệp liên kết tốt hơn, vai trò của các hiệp hội vô cùng quan trọng. Hầu hết các ngành hàng hiện nay đều có các hiệp hội đứng ra điều phối.
Thế nhưng, theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội cũng chỉ có thể đứng ra điều phối chung. Để giảm cạnh tranh giá, Hiệp hội đặt ra quy chế hướng dẫn và thường xuyên cập nhật giá. Tuy nhiên, ông cho rằng, mỗi doanh nghiệp đều có quyền tự chủ, cơ chế thị trường cho phép các doanh nghiệp tự do cạnh tranh. Hiệp hội cũng tránh can thiệp quá sâu, trừ những trường hợp phá giá cụ thể. Do đó, vấn đề xác định và ngăn cản các doanh nghiệp chào giá thấp là rất khó.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, ở một số quốc gia, hiệp hội có thể can thiệp vào việc cạnh tranh giá bán giữa các doanh nghiệp thành viên. Nhưng sự can thiệp này có thể được xem là vi phạm luật cạnh tranh. Ông cho rằng, việc cạnh tranh giá thường xuất phát từ sự vô tình hoặc cố tình. Hiệp hội có thể can thiệp sự cạnh tranh vô tình bằng việc thường xuyên cập nhật giá và thường xuyên trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với sự cạnh tranh cố tình thì hiệp hội chưa có phương pháp giải quyết nào khả thi.
Nhận định về vấn đề này, ông Tự, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho rằng, vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam cần tự nhận thức lại hành vi kinh doanh của mình, có ý thức cộng đồng, từ đó tạo được sự liên kết, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị cho hàng hóa của chính mình và của cả ngành.