Gặp khó, bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tăng trưởng 2 con số

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Báo cáo nhanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gửi Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, 8 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của khối đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ.

Gặp khó, bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tăng trưởng 2 con số
8 tháng đầu năm 2014, Bảo hiểm PVI đạt doanh thu 4.234 tỷ đồng

Đây là một tín hiệu khá tích cực sau một năm 2013 “thất bát” với mức tăng trưởng 7%.

Dẫn đầu về doanh thu trong khối vẫn là những cái tên quen thuộc: Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và PTI, tuy rằng có sự bứt phá hoặc phong độ không ổn định của một số doanh nghiệp. Bảo Minh gây bất ngờ khi tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc 16,85%, ước đạt 1.720 tỷ đồng. Đây cũng là DN có mức tăng trưởng cao nhất trong Top 5 DN dẫn đầu thị trường. Không khó để giải thích về mức tăng trưởng mạnh này, bởi đây là kết quả của những nỗ lực chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập của Bảo Minh.

Xét về thị phần, Bảo hiểm PVI vẫn giữ vị trí số 1 sau 8 tháng khi nắm 23,97% (với doanh thu ước đạt 4.234 tỷ đồng). Bảo hiểm Bảo Việt đứng thứ hai, với 19,45% thị phần (với doanh thu ước đạt 3.435 tỷ đồng), Bảo Minh xếp thứ ba (ước đạt 1.720 tỷ đồng), đứng thứ tư là PJICO (với 1.305 tỷ đồng) và PTI đứng thứ năm với 973 tỷ đồng. Tiếp đến là Samsung Vina, BIC và MIC.

Đáng chú ý, tổng giá trị bồi thường toàn khối trong 8 tháng ước đạt hơn 6.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,8%, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái là 42,4%.

Hầu hết các DN trong Top 5 có tỷ lệ bồi thường dưới 37%, ngoại trừ Bảo hiểm Bảo Việt (48%). Tuy nhiên, việc kiểm soát tỷ lệ bồi thường của Bảo hiểm Bảo Việt đã có bước tiến đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (56,28%). Tỷ lệ bồi thường của Bảo hiểm Bảo Việt cao hơn cũng là điều dễ hiểu do Bảo hiểm Bảo Việt là nhà bảo hiểm bán lẻ hàng đầu, có mặt tại hầu hết dự án, công trình lớn nhỏ trong nước.

Các DN cho biết, tới thời điểm này, các thủ tục giải quyết bồi thường cho khách hàng tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh trong sự cố xảy ra hồi tháng 5/2014 đang được giải quyết theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính. Do quy mô lớn, dự kiến, tổng thiệt hại lên tới 2.500 tỷ đồng, cần phải thận trọng trong từng khâu, từ giám định hiện trường, xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại, thu thập hồ sơ, tài liệu để đàm phán với nhà tái bảo hiểm,  phòng chống trục lợi bảo hiểm, nên công tác giải quyết bồi thường, theo các DN, có thể sẽ kéo dài đến năm 2015.

Tuy nhiên, tính đến ngày 1/8/2014, theo Cục quản lý và giám bảo hiểm, các DN bảo hiểm đã bồi thường và tạm ứng bồi thường cho khách hàng 188 tỷ đồng, trong đó tạm ứng cho các DN chịu thiệt hại tại Bình Dương số tiền 130 tỷ đồng; tạm ứng cho các DN tại Đồng Nai 43 tỷ đồng; tạm ứng cho các DN tại Hà Tĩnh 14 tỷ đồng… 

Bên cạnh chạy nước rút về đích doanh thu năm khi quãng thời gian còn lại chỉ chưa đầy ba tháng, việc kiểm soát chi phí và rà soát công nợ cũng đang được các DN bảo hiểm tập trung thực hiện. PJICO cho biết, năm nay, Tổng công ty sẽ khắc phục tình trạng vượt chi của năm 2013. Đơn vị nào chi vượt kế hoạch mà không đưa ra được lý do chính đáng, giám đốc đơn vị đó sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp bảo hiểm, phòng chống trục lợi bảo hiểm cũng được các DN trong khối đẩy mạnh. Sau một thời gian tái cấu trúc toàn diện, PJICO, Bảo hiểm Hàng không, AAA, Viễn Đông, BSH đang dần ổn định trên nhiều mặt.

Mới đây, Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) đã chuyển đổi mô hình từ công ty lên thành Tổng công ty, nhằm phát triển quy mô hoạt động. GIC cho biết, cổ đông chiến lược là ERGO (hiện nắm 35% cổ phần tại GIC) đã cử các chuyên gia giỏi từ Tập đoàn sang tham gia trực tiếp vào việc nghiên cứu thị trường và xây dựng các sản phẩm mới.