GDP 6 tháng đầu năm: Không để nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng âm

PV.

6 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là thành công bởi nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh hầu như “đốn hạ” hết các nền kinh tế lớn toàn cầu.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh hầu như “đốn hạ” hết các nền kinh tế lớn toàn cầu.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.

Khu vực Nông, Lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, ngành Nông nghiệp tăng 0,83%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 0,78% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành Lâm nghiệp tăng 2,15% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,01 điểm phần trăm; ngành Thủy sản tăng 2,37%, chỉ cao hơn mức tăng 2,34% của 6 tháng đầu năm 2013 và 1,25% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 0,08 điểm phần trăm.

GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Riêng ngành công nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, đạt mức tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 1,1 điểm phần trăm. Ngành Xây dựng tăng 4,5%, cao hơn mức tăng 0,11% và 2,41% của 6 tháng đầu năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 0,28 điểm phần trăm...

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Trong khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,46 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm; ngành Vận tải, Kho bãi giảm 3%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,7%, làm giảm 0,95 điểm phần trăm...

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,54%; 34,20%; 42,03%; 10,23%).

Theo các chuyên gia kinh tế, điểm đáng chú ý là GDP quý II/2020 ước tính chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020 bởi đây là giai đoạn Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội... Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, thì mức tăng trưởng này cũng “không phải điều gì quá tồi tệ”. Thậm chí, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh hầu như “đốn hạ” hết các nền kinh tế lớn toàn cầu.

Có thể nói, kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh. Đây cũng là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, và tiếp tục có những mốc tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm.