GDP năm 2014: Không thể đạt mức 5,8%

GS., TS. Ngô Thắng Lợi, TS. Vũ Cương

(Tài chính) Nhiều hạn chế trong nội tại nền kinh tế cộng với diễn biến Biển Đông trong tháng 5 khiến mục tiêu tăng trưởng GDP theo kế hoạch đặt ra là 5,8% trở nên xa vời.

Bản thân nền kinh tế vẫn bộc lộ nhiều bất cập

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 đạt cao hơn mức của 3 tháng đầu năm. Tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ở cả 3 nhóm ngành lớn, trong đó nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp và nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có sự gia tăng nhanh hơn so với nhóm ngành thương mại - dịch vụ. Điều này cho thấy, 3 tháng của quý II, các ngành sản xuất có dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn so với 3 tháng đầu năm.                              

Bảng: Tăng trưởng kinh tế 3 tháng và 6 tháng đầu năm 2014

Chỉ tiêu

3 tháng

6 tháng

Tốc độ tăng trưởng (%)

4,96

5,18

Tốc độ tăng trường theo ngành (%):

- Ngành nông – lâm – ngư nghiệp

- Ngành công nghiệp – xây dựng

- Ngành thương mại – dịch vụ

 

2,37

4,69

5,95

 

2,96

5,33

6,01

Đóng góp của từng ngành vào tăng trưởng (% và điểm %):

- Ngành nông – lâm – ngư nghiệp

- Ngành công nghiệp – xây dựng

- Ngành thương mại – dịch vụ

 

7,4  (0,37)

37,9 (1,88)  

54,6(2,71)

 

10,19 (0,53

39,75 (2,06)

50,06) (2,59)

                                                                         Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đi sâu phân tích có thể thấy những khía cạnh chưa tích cực của tăng trưởng 6 tháng đầu năm như sau:

- Mức tăng trưởng thấp. Mặc dù mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao hơn so với 3 tháng đầu năm, song mức tăng còn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010 (năm cuối của giai đoạn 2006-2010) và chưa khôi phục được bằng mức năm đầu tiên của thời kỳ 2011-2015 (năm 2011 đạt 5,92%). Điều này báo hiệu một khả năng (có thể nói là chắc chắn) không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm 2014 (5,8%).  

- Tốc độ tăng trưởng theo ngành có dấu hiệu không tích cực. Cho dù ngành thương mại - dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng lại chậm hơn so với 2 ngành nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp - xây dựng, làm cho cơ cấu ngành chuyển dịch có xu hướng chậm lại so với 3 tháng đầu năm. Nếu 3 tháng đầu năm tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ trong GDP theo thứ tự là 12,88%; 40,32% và 46,8%, thì các con số tương ứng của 6 tháng đầu năm lại chỉ là: 17,7%; 38,7% và 43,6% (một cơ cấu ngành kém tích cực hơn so với 3 tháng đầu năm, thậm chí kém hơn so với năm 2013).

- Mô hình tăng trưởng vẫn mang nặng dáng dấp của mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng.

Cụ thể: ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng chỉ đạt 5,33%, nhưng tăng trưởng giá trị sản xuất lên tới 7,8%; nhiều ngành công nghiệp chế biến có tăng trưởng giá trị sản xuất lên tới 11%-12%. Kim ngạch xuất khẩu các hàng hóa gia công tăng nhanh hơn mức tăng bình quân xuất khẩu (tương ứng là 18%-20% và 14,9%); tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa trung gian tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (tương ứng là: 20%-22% và 11%).

- Tăng trưởng vẫn dựa chính vào yếu tố nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (tương ứng là 14,6% và 5,18), trong đó tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhanh hơn ở khu vực nội địa (tương ứng mức tăng 16,6% và 10,5%). Tương tự như vậy, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu ở các doanh nghiệp FDI (11,6%) nhanh hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (11%).

- Các yếu tố tăng trưởng nội địa vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ ràng. Ngành thương mại - dịch vụ tốc độ tăng trưởng gia tăng thấp, ngành nông nghiệp tốc độ tăng trưởng chậm hơn (đạt 2,25%).

Các ngành gắn với yếu tố nội địa tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ (đạt 6,01%), như: thương mại bán buôn bán lẻ: 5,7%; tài chính - ngân hàng: 5,51%; bất động sản: 2,51%; kho bãi vận tải: 5,2%.

Ngành xây dựng vẫn chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 4,3% so với tốc độ tăng trưởng chung ngành công nghiệp - xây dựng (5,33%). Tốc độ tăng trưởng xuất -  khẩu nhập khẩu ở các doanh nghiệp trong nước đều thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất - nhập khẩu chung.   

Dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm 2014

Bằng phương pháp ngoại suy theo xu thế của những năm trước, nếu 6 tháng đầu năm 2014 tốc độ tăng trưởng đạt 5,18%, tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy, khả năng tăng trưởng cả năm 2014 sẽ đạt 5,4%-5,5% (tức là không thể đạt được con số kế hoạch đặt ra là 5,8%) (Bảng 2).

Bảng 2: Ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm và 6 tháng cuối năm 2014

 

2010

2011

2012

2013

2014

Tốc độ tăng trưởng 3 tháng đầu năm (%)

5,97

5,9

4,75

4,76

 4,96

Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm (%)

6,18

5,92

4,93

4,98

 5,18

Tốc độ tăng trưởng cả năm (%)

6,78

5,8

5,25

5,42

 

Hệ số tốc độ tăng trưởng 6 tháng so với cả năm

0,92

1,02

0,93

0,92

0,945

Ước tính tốc độ tăng trưởng cả năm (theo hệ số tốc độ tăng trưởng  6 tháng đầu năm 2014) (%)

 5,4 - 5,5

Ước tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2014 (%)

5,6 – 5,8

                                                         Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2014). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2014

 2. Tổng cục Thống kê (2014). Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014

 3. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (2014). Báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014