GDP quý I/2018 sẽ tăng trưởng khá

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Theo những số liệu vĩ mô tổng hợp 2 tháng đầu năm, TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và dự báo, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, có nhiều cơ sở để tự tin tăng trưởng quý I/2018 sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ hài hòa hơn chứ không có bước nhảy vọt như năm trước bởi chưa nhìn thấy nhiều yếu tố đột biến.

Ngành công nghiệp sẽ đóng góp lớn

Phóng viên: Kịch bản tăng trưởng GDP quý I/2018 sẽ xảy ra như thế nào, thưa ông?

TS.Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia
TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia

TS. Đặng Đức Anh: Nhìn chung tăng trưởng kinh tế quý I/2018 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước, bởi những yếu tố tác động từ đà tăng trưởng năm 2017 sẽ vẫn tiếp tục cho đến hết 3 tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, nếu xét về các lĩnh vực thì có thể thấy những yếu tố về công nghiệp phát triển khá mạnh. Năm ngoái, đối với ngành chế biến chế tạo, Samsung bị suy giảm sản xuất do lỗi kỹ thuật của thiết bị, bên cạnh đó, Formosa cũng chưa đi vào sản xuất.

Nhưng năm nay, cả hai công ty này đã bắt đầu hồi phục và sản xuất tốt, nên sẽ góp phần cho tăng trưởng quý đầu năm nay. Cùng với đó, xây dựng, dịch vụ và du lịch cũng tăng trưởng khá, tiêu dùng tốt; các chỉ số về đầu tư nước ngoài, giải ngân đều tốt. Nên tôi dự báo tăng trưởng kinh tế quý I năm nay sẽ nhiều khả quan hơn 2017, tăng cao hơn nhiều so với mức 5,1% của cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông liệu còn tiềm ẩn những yếu tố nào chưa phục hồi hoặc chưa phát triển được không?

Theo tôi trong quý này, về tăng trưởng sẽ không có vấn đề gì quá lớn. Nếu nói đến chậm tăng trưởng có thể có sự tác động nhỏ của nông nghiệp bởi đầu năm do ảnh hưởng của thời tiết, biến đổi khí hậu, rét kéo dài làm ảnh hưởng tới yếu tố sản xuất của nông nghiệp.

Theo như công bố của Tổng cục Thống kê tại các tỉnh phía Bắc, tiến độ gieo cấy lúa đông xuân đạt thấp do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1, đầu tháng 2; đồng thời Tết Nguyên đán năm nay trùng vào tháng 2, muộn hơn 2 tuần so với năm 2017 nên tiến độ làm đất và gieo trồng một số cây vụ xuân chậm hơn cùng kỳ năm trước.

Về lạm phát, 2 tháng đầu năm nay đã cho thấy mức độ cao hơn và sẽ tiếp tục tăng trong tháng 3 này, tính chung cả quý sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là bởi cộng hưởng từ những yếu tố như tăng giá điện từ cuối năm ngoài, giá cả trên thị trường trong nước và thế giới cũng tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, tăng trưởng về tín dụng cũng cho thấy nhiều tác động ảnh hưởng tới lạm phát. Mặc dù các lạm phát cơ bản đang trong tầm kiểm soát nhưng cũng có tác động ít nhiều tới lạm phát của năm nay. Đó là 2 lĩnh vực mà tôi nghĩ rằng còn tồn đọng trong quý này. Tuy nhiên, những yếu tố trên chỉ là nhỏ và tôi nghĩ sẽ không có quá nhiều tác động tới tình hình tăng trưởng chung.

Tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ hài hòa

Vừa qua, có thông tin cho rằng tăng trưởng GDP quý I/2018 sẽ tương đương như nửa cuối năm 2017, thậm chí ở kịch bản tốt có thể chạm ngưỡng 8%. Ông nhận định thế nào về điều này?

Để dự báo con số tăng trưởng chính thức của quý I/2018 là bao nhiêu, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, cập nhật số liệu và tiếp tục phân tích dựa trên tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 này. Tuy nhiên theo tôi nghĩ, kịch bản đạt mức tăng trưởng cao sẽ dễ xảy ra, nhưng để chạm được ngưỡng 8% là khá khó.

Diễn biến tăng trưởng qua từng quý của nước ta thường theo kịch bản đầu năm tăng chậm, cuối năm bứt phá. Với những đánh giá vừa qua, ông có nghĩ rằng kịch bản này sẽ  tiếp tục xảy ra trong năm nay?

Theo tôi nghĩ, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ hài hòa hơn. Nếu như năm ngoái với kịch bản tăng trưởng quý I rất thấp, để đến quý II, III tăng vọt hơn 1%, sau đó mới trở lại mức tăng trưởng 0,3-0,4%, thì năm nay tôi dự báo mức tăng trưởng giữa các tháng và quý sẽ không có sự chênh lệch nhiều, tức là sẽ ở mức dưới 1% chứ không mạnh như năm ngoái. Các yếu tố góp phần tạo đột biến cho nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn, hiện nay thực sự chưa thấy yếu tố nào, tăng trưởng đột biến sẽ khó xảy ra.

Để đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục đạt được những con số mới, cần tập trung vào những ngành nào và giải quyết vấn đề gì, thưa ông?

Theo tôi, ưu tiên hàng đầu là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, tập trung vào nâng cao chất lượng tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế. Việc này chúng ta vẫn đang thực hiện nhưng kết quả thu được chưa nhiều. Nhưng một khi chúng ta đã có nền tảng rất tốt là đà tăng trưởng, thì cần phải duy trì nó và đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Do đó, cần phải tập trung vào chất lượng, hiệu quả, tăng năng suất lao động gắn với tái cơ cấu và chuyển dịch thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phải có sự chuyển biến về chất, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo và công nghiệp. Chính phủ cũng đã đặt ra một số ngành mũi nhọn như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch hay ngành công nghệ thông tin. Nhưng để đạt được hiệu quả thực chất, tôi nghĩ cần phải có sự kết nối giữa các ngành ấy với tổng thể của nền kinh tế.

Chẳng hạn nước ta xuất khẩu nhiều nhưng hàm lượng giá trị gia tăng vẫn còn rất thấp, phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước khá nhỏ, nên việc tập trung hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện và nâng cao năng suất là công việc tiên quyết hiện nay. Công việc còn rất nhiều, cần tạo ra những giải pháp đột biến, làm sao nâng được hiệu quả, chất lượng của cả nền kinh tế lên chứ không chỉ  tập trung tăng về lượng.

Xin cảm ơn ông!