GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 13,6% vào năm 2025

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Việt Nam sẽ được hưởng tăng trưởng kinh tế và thương mại rất lớn khi tham gia Hiệp ước xuyên Thái Bình Dương TPP và GDP của Việt Nam có thể đạt tới 13,6% vào năm 2025.

GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 13,6% vào năm 2025
GDP của Việt Nam có thể đạt tới 13,6% vào năm 2025. Nguồn: internet

Đó là nhận định của GS. Robert Z Lawrence, trường Harvard Kennedy School tại Hội thảo quốc tế về Cải cách Kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm Quốc tế và Bài học đối với Việt Nam do Bộ Ngoại giao, UNDP tổ chức trong hai ngày 24-25/3 tại Hà Nội.

Giáo sư Lawrence cho rằng, với việc loại bỏ hàng rào thuế quan vào những thị trường lớn như Mỹ và Nhật Bản và việc giảm các hàng rào phi thuế quan, Việt Nam sẽ tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn và gia tăng GNP (tổng sản lượng quốc gia) lớn hơn so với các thành viên tham gia TPP khác.

Ông dự báo, năm 2025, GDP (tổng sản lượng nội địa) của Việt Nam sẽ đạt 13,6%, cao hơn nhiều so với 0,4% của Mỹ, 2,2% của Nhật Bản, 1,4% của Peru, và 6,15% của Malaysia.

Đến thời điểm trên, vẫn theo giáo sư, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt 37,3%, cao hơn nhiều so với 4,4% của Mỹ, 14% của Nhật Bản, và 12,4% của Malaysia.

Bình luận về hai điểm này với phóng viên, TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng có thể tin vào những dự báo trên dù ông không rõ cơ sở tính toán của giáo sư Lawrence.

“Vấn đề là ở chỗ, xuất phát điểm của ta rất thấp, nên sức bật lên có thể nhanh nhất”, ông nói để giải thích rõ hơn rằng  điều đó không có nghĩa Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.

GS. Lawrence cho rằng, việc thực hiện các cam kết TPP sẽ giúp thúc đẩy cải cách trong nước. Ông ghi nhận Việt Nam đang tìm kiếm các nỗ lực cải cách trong nước gần đây trong quá trình đàm phán TPP. Các cải cách đó bao gồm cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Các doanh nghiệp nhà nước hiện nay thường nhận được các ưu đãi thông qua vốn ngân sách chính phủ với chi phí thấp, ít chịu ảnh hưởng của những quy định thông thường, miễn giảm thuế và được tạo điều kiện khi ký các hợp đồng mua sắm.

Về điểm này, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung đồng tình, khi cho rằng đóng góp của doanh nghiệp nhà nước không tương xứng với những nguồn lực họ được hưởng.

Khoảng 1.000 doanh nghiệp nhà nước hiện đang chiếm giữ 45% tổng đầu tư và tài sản cố định, 27% tổng dư nợ tín dụng ngân hàng, nhưng chỉ đóng góp chưa tới 17% sản lượng công nghiệp, và tạo công ăn việc làm cho 1% lực lượng lao động.

GS. Lawrence nhận xét, chương về doanh nghiệp nhà nước  trong khuôn khổ TPP sẽ bàn về “cạnh tranh tự nhiên giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân” và minh bạch hóa cao độ trong các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả cấu trúc tài chính.

“TPP vì vậy có thể là điểm tựa cho cải cách trong nước”, ông nhận xét.

Ông nhận xét thêm, khi vào TPP, sự điều chỉnh của thị trường nội địa cũng sẽ là một thách thức đối với Việt Nam. “Sẽ có nông dân và nhà sản xuất bị thay thế. Các công ty cần phải thay đổi cách hoạt động và một số sẽ chống lại tiến trình này”, ông nói.