Giá các loại nguyên liệu sữa tiếp tục giảm mạnh
(Tài chính) Theo Bộ Công thương, so với đầu năm, hiện giá nhiều loại nguyên liệu sữa thế giới đã giảm từ 30 – 50%.
Sữa nguyên liệu liên tục giảm giá mạnh
Giá nguyên liệu sữa thế giới đã liên tục giảm giá mạnh kể từ tháng 4/2014 đến nay, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng tăng ở các thị trường lớn, mặt bằng giá hàng hóa thế giới giảm, tiêu thụ sữa giảm, đặc biệt là ở Trung Quốc. Cùng với đó, lệnh cấm của Nga đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ và Úc cũng hỗ trợ rất lớn đối với giá nguyên liệu sữa.
Trong đó, tháng 12/2014, một số loại nguyên liệu sữa vẫn tiếp tục giảm so với tháng trước. Cụ thể giá sữa bột gầy (1,25% bơ) được niêm yết tại thị trường châu Âu giảm 50 – 125 USD/tấn so với tháng trước, xuống còn 2.225 – 2.475 USD/tấn (FOB), mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Cả năm, giá mặt hàng này giảm 48% so với năm 2013.
Giá bột whey giảm 75 USD/tấn so với tháng 11/2014 và giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2013, xuống còn 1.050 – 1.300 USD/tấn.
Giá sữa bột 26% bơ tăng 150 USD/tấn trong tháng 12, lên 2.725 – 3.000 USD/tấn (FOB), nhưng vẫn giảm 42% so với năm 2013.
Tại thị trường châu Úc, giá sữa bột gầy (1,25% bơ) dao động 2.200 – 2.600 USD/tấn (FOB), giảm 46,6% so với hồi đầu năm nay.
Giá sữa bột 26% bơ dao động 2.200 – 2.600 USD/tấn (FOB), giảm 100 – 200 USD/tấn (tương đương giảm 4,7%) so với cùng kỳ tháng trước, và giảm 44% so với năm 2013.
Dự báo năm 2015, nhu cầu sữa giảm ở nước nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, nguồn cung sữa của châu Âu dư thừa, giá xăng dầu giảm sẽ là những yếu tố khiến giá sữa nguyên liệu tiếp tục ổn định ở mức thấp.
Tiêu thụ sữa trong nước tăng gần 20%
Cũng theo Bộ Công thương, nửa đầu tháng 12/2014, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa của cả nước đạt 44,6 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/12, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 1,05 tỷ USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2013.
Thị trường nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa của các DN Việt Nam trong 11 tháng năm 2014 là từ New Zealand, với tỷ trọng chiếm 26,4%, đạt 242,2 triệu USD, tăng 0,5% về trị giá so cùng kỳ năm 2013.
Mỹ là thị trường cung cấp sữa lớn thứ hai với 214,9 triệu USD, tăng 18,3%, chiếm tỷ trọng 23,6% ; tiếp theo là Singapore với 95,5 triệu USD, giảm 22,2% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng 10,5% trong tổng kim ngạch.
Tuy nhiên, Úc mới là thị trường đạt tăng trưởng kim ngạch cao nhất, tăng 131% so với cùng kỳ năm 2013, trong khi nhập khẩu từ Đan Mạch giảm mạnh nhất, với mức giảm 79,8%.
Tại thị trường trong nước, tiêu thụ sữa ước tăng gần 20% trong năm 2014, trong đó sữa nước và sữa bột là hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm trên 75%.
Giá sữa hiện đã giảm 0,1 – 30% so với cuối năm 2013, đặc biệt giảm khá mạnh ở các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi do chính sách bình ổn giá của Chính phủ, và một phần do giá nguyên liệu sữa thế giới giảm mạnh.
Hiện cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của 606 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó, Bộ Tài chính công bố 165 sản phẩm, sở tài chính các tỉnh, thành phố công bố 441 sản phẩm. Tỷ lệ giảm hiện đạt khoảng 0,1 - 34% tùy từng chủng loại sữa so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Trong năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục áp dụng biện pháp quy định giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cho đến hết tháng 5/2015. Bên cạnh đó, giữa nguyên liệu thế giới và các chi phí sản xuất giảm sẽ khiến giá sữa trong nước tiếp tục ổn định thời gian tới.