Giá dầu thô tăng, lạm phát không thể không tăng

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Sự biến động mạnh mẽ của giá dầu thô làm gia tăng nguy cơ lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi đang phát triển. Thậm chí cả Mỹ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ nếu giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng.

Nếu giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng thì các nền kinh tế mới nổi đang phát triển sẽ phải chịu mức độ lạm phát trên 20%. Nguồn: Getty Images
Nếu giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng thì các nền kinh tế mới nổi đang phát triển sẽ phải chịu mức độ lạm phát trên 20%. Nguồn: Getty Images

Năm 2021, mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng giá dầu thế giới vẫn tăng hơn 50% so với năm 2020 và là mức tăng mạnh nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Theo nhận định của nhiều tổ chức quốc tế, cùng với sự phục hồi trở lại của nhiều nền kinh tế trên thế giới, giá dầu trong năm 2022 vẫn sẽ biến động mạnh do nhu cầu nhiên liệu gia tăng trên quy mô toàn cầu, trong khi nguồn cung vẫn còn hạn chế.

Khi nhìn lại thị trường dầu mỏ thế giới trong năm 2021 và triển vọng của năm 2022, ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia cao cấp Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, năm 2021, giá một số định chuẩn dầu thô thế giới đã có mức giá trung bình 71 USD/thùng, cao hơn 50% so với năm 2020 và đây là mức tăng giá tương đối đáng kể.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung lại, có một số nhân tố quan trọng tác động đến xu hướng tăng giá đó là: 

Thứ nhất, về mặt địa chính trị, đầu năm 2021, việc chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng sang Tổng thống mới Joe Biden tương đối thuận lợi, không có nhiều vướng mắc, việc đó tác động rất tích cực đến thị trường kinh tế, tài chính, hàng hóa toàn cầu và cụ thể là tác động đến giá dầu thô trong giai đoạn đầu năm này.

Thứ hai, là yếu tố dịch bệnh có nhiều cải thiện và đến cuối 2021, giá dầu thô bị ảnh hưởng đôi chút vào tháng 11-12 do diễn biến của dịch bệnh với sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Nhưng về tổng thể, tình hình dịch bệnh đã được cải thiện rất tốt, đặc biệt là quá trình tiêm chủng tại các nước lớn như tại Mỹ hay Trung Quốc đạt tỷ lệ lớn. Những yếu tố này giúp các nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới và gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu.

Thứ ba, OPEC và Nga kiểm soát nguồn cung rất tốt, thông qua việc cam kết cắt giảm sản lượng hiệu quả, trung bình mức cam kết tuân thủ cắt giảm sản lượng của khối OPEC+ trong năm 2021 là khoảng 113%, thậm chí lên 115-116%. Tất nhiên còn do các vấn đề khác như sản lượng của Libya bị sụt giảm một cách đột ngột, mặc dù đó là những yếu tố bên ngoà. Đồng thời, dự trữ từ các kho dầu chiến lược của các quốc gia trên thế giới dần giảm xuống do vấn đề nhu cầu tăng lên.

Thứ tư, một nhân tố không thể không nhắc đến đó là lạm phát, yếu tố này có tác động hai chiều, vì giá dầu tác động lên lạm phát và lạm phát cũng tác động lên giá dầu, chính hai yếu tố đó kết hợp với nhau và cùng đẩy giá dầu lên ở mức rất cao.

Theo vị chuyên gia, dầu thô là đầu vào để sản xuất ra các nhiên liệu thành phẩm như xăng dầu và đầu vào của quá trình sản xuất, giao thông vận tải. Việc tăng giá dầu thô tác động đến giá xăng dầu và tác động rất lớn đến các chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng rõ ràng nhất đến kinh tế thế giới như kinh tế Mỹ, EU, Trung Quốc.

“Chúng ta có thể nhìn thấy thông qua một việc rõ ràng đó là yếu tố lạm phát tăng rất cao, giá các hàng hóa có liên quan tăng nhanh. Ví dụ giá các sản phẩm phân bón có thể tăng lên đến 2,5 lần hay các hàng hóa dịch vụ vận chuyển cũng tăng ở mức cao nhất trong 13 năm trở lại đây. Từ đó tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của toàn cầu, khiến mặt bằng giá trên thế giới đã bị thay đổi theo chiều hướng tăng cao ít nhất từ một đến hai lần”, ông Quyết phân tích.

Trước sự biến động giá dầu cực lớn, khiến các nước tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, bởi vì theo thống kê của một số tổ chức uy tín trên thế giới, 80% các quốc gia trên thế giới nhập khẩu ròng dầu thô. Qua đánh giá, nếu như giá dầu ở mức trên 100 USD/thùng thì các nền kinh tế mới nổi đang phát triển sẽ phải chịu mức độ lạm phát trên 20%, ngay cả nước Mỹ, giá dầu trên 100USD cũng có thể khiến lạm phát tăng đâu đó khoảng 5%. Vì vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải đối phó với việc tăng giá xăng dầu bằng cách mở lại các kho dự trữ chiến lược, để cân bằng nguồn cung dầu thô trong nước, cũng như đảm bảo nguồn dầu cho việc sản xuất, an sinh xã hội.

Còn ở những nước sản xuất, khi giá cả tăng lên, thì có thể rất vui mừng. Ví dụ như giá thành sản xuất dầu thô tại Ả - Rập - Xê - Út đâu đó khoảng 10 USD/thùng, ở Nga cao hơn một chút khoảng 16 – 17  USD và một điều rất cơ học là, khoảng cách giá giữa 80 USD và việc giá dầu chưa đến 20 USD đã có sự chênh lệch tới 60USD, mà sản lượng sản xuất ở Nga là 10 triệu thùng một ngày, còn khối OPEC khoảng 30 triệu thùng một ngày, thì họ sẽ có bổ sung một nguồn thu về mặt ngoại tệ rất lớn cho ngân sách để tái đầu tư cũng như phát triển.

Vừa qua, ngân hàng Standard Chartered đánh giá dự báo giá dầu Brent trong năm 2022 lên 75 đô la Mỹ một thùng, trong khi Morgan Stanley dự báo, giá dầu Brent sẽ đạt 90 đô la Mỹ một thùng trong quý ba năm nay. Thậm chí chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty môi giới tài chính Oanda còn cảnh báo, giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 đô la Mỹ một thùng ngay trong quý 1 này. Như vậy có thể thấy, xu hướng biến động giá dầu thế giới trong năm 2022 là rất mạnh mẽ và đây là yếu tố hết sức đáng lưu tâm đối với diễn biến lạm phát và cả chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian tới.