Giá dầu thô thế giới sẽ biến động ra sao sau cuộc họp của OPEC+ ?
Trong thời gian tới, yếu tố có xác suất khiến giá dầu đảo chiều cao nhất là thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, hoặc một sự đột phá trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ, vốn đang bị đình trệ từ tháng 3/2022.
Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 50% và đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/6, dầu WTI đã đạt mức 116,87 USD/thùng. Xung đột giữa Nga-Ukraina và những sự kiện liên quan như lệnh trừng phạt hoặc tự cấm vận nhập khẩu dầu của các nước tiêu thụ lớn đã là những yếu tố chính có tác động lớn lên giá mặt hàng này. Vậy sau khi cuộc chiến đã kéo dài hơn 2 tháng, và gói trừng phạt mới nhất được công bố thì đâu là những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến giá dầu thô nói riêng và thị trường năng lượng nói chung?
Chính sách hạn ngạch của OPEC+ và tác động thực sự tới thị trường
Kể từ khi xung đột quanh khu vực biển Đen nổ ra, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã cố gắng điều tiết thị trường bằng chính sách sản lượng, có thể thấy mức tăng hạn ngạch được quyết định trong cuộc họp tháng 5/2022 là cao hơn một chút so với trước đó, ở mức 432.000 thùng/ngày.
Và trong cuộc họp mới nhất vào ngày hôm qua 2/6, thị trường đã bất ngờ với quyết định tăng hạn ngạch thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 năm nay; khi mà trước thềm cuộc họp, nhiều nguồn tin nội bộ cho biết, nhóm sẽ chỉ tăng hạn ngạch thêm 432.000 thùng/ngày giống như trong tháng 5.
Mức tăng mới nhất nhiều hơn 200.000 thùng/ngày so với con số đưa ra trước đó tưởng chừng sẽ là yếu tố gây sức ép, nhưng trên thực tế lại tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu. Nguyên nhân chính là do việc dỡ bỏ cắt giảm sản xuất hơn 600.000 thùng/ngày là không đủ để giúp giảm bớt tình trạng thâm hụt trên thị trường, đặc biệt là khi mà sản lượng của Nga được dự đoán sẽ giảm tới hàng triệu thùng mỗi ngày trong thời gian tới trước tác động từ các lệnh trừng phạt của châu Âu. Do vậy, đây sẽ chỉ là một biện pháp mang tính chất tạm thời nhằm xoa dịu lo ngại nguồn cung và hạ nhiệt giá dầu, nhưng không đủ để bù đắp được sự sụt giảm từ Nga.
Từ kế hoạch đến sản lượng thực tế
Bên nội dung cuộc họp, một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là khoảng cách giữa sản lượng thực tế của các thành viên OPEC+ so với mục tiêu sản xuất. Trong hơn nửa năm vừa qua, khối lượng dầu mà họ có thể sản xuất hầu như đều thấp hơn kế hoạch khi nhiều quốc gia thành viên không đủ năng lực hoặc gặp phải sự cố ngoài mong muốn. Trước thực tế kể trên, thị trường có thể sẽ không quá tin tưởng vào khả năng tăng sản lượng của nhóm và khiến cho lực mua tiếp tục mạnh lên, ít nhất là cho đến cuộc họp tiếp theo vào ngày 30/6 tới đây.
Ẩn số nào khiến giá dầu đảo chiều và rớt khỏi vùng giá cao?
Trước khi cuộc họp diễn ra, có một số nguồn tin cho rằng Saudi Arabia và các nước OPEC khác sẽ tăng cường sản xuất để bù đắp cho sụt giảm từ Nga. Tuy nhiên, đúng như dự đoán từ giới phân tích, kế hoạch này không được thảo luận trong cuộc họp hoặc không được công bố với công chúng sau cuộc họp.
Do vậy, đây sẽ là một yếu tố thị trường theo dõi chặt chẽ, vì nếu kế hoạch này thực sự được triển khai, nhiều khả năng giá dầu sẽ có một đợt điều chỉnh giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, kể cả khi trường hợp này xảy ra thì giá dầu cũng khó có thể thiết lập một xu hướng giảm để trở về dưới mốc 100 USD/thùng, do mức tăng từ các nước kể trên cộng lại vẫn sẽ không thể bù đắp mức sụt giảm từ Nga.
Trong thời gian tới, yếu tố có xác suất khiến giá dầu đảo chiều cao nhất là thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, hoặc một sự đột phá trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ, vốn đang bị đình trệ từ tháng 3/2022.