Giá dầu bất ngờ tăng vọt sau tuyên bố của OPEC

Theo Trung Mến/bizlive.vn

OPEC cảnh báo rằng sẽ không thể nào thay thế được khoảng 7 triệu thùng/ngày sản lượng dầu của Nga và các loại sản phẩm khác từ dầu bị hao hụt khi các biện pháp trừng phạt bị áp dụng.

Ảnh: Nikkei
Ảnh: Nikkei

Giá dầu tăng mạnh trong phiên ngày thứ Ba khi mà chính quyền thành phố Thượng Hải nới lỏng bớt một số biện pháp hạn chế áp dụng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, điều này khiến nhiều người bớt lo lắng về khả năng nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm đi, đồng thời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cảnh báo rằng sẽ không thể thay thế được nguồn cung hao hụt từ Nga.

Theo CNBC, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 6,26% lên 104,64USD/thùng còn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 6,69% lên 100,60USD/thùng. Giá của hai loại dầu này hạ 4% trong phiên ngày thứ Hai.

Vào ngày thứ Hai, chính quyền Thượng Hải công bố hơn 7.000 khu vực nhà ở đã được coi như khu vực có rủi ro thấp sau khi không có ca lây nhiễm mới trong vòng 14 ngày, ngoài ra, một số các quận trực thuộc từ đó đến nay đã thông báo khu vực nào có thể được mở cửa trở lại.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong khi đó cảnh báo rằng sẽ không thể nào thay thế được khoảng 7 triệu thùng/ngày sản lượng dầu của Nga và các loại sản phẩm khác từ dầu bị hao hụt khi các biện pháp trừng phạt bị áp dụng.

Liên minh châu Âu (EU) hiện chưa thống nhất về các biện pháp cấm với dầu Nga, tuy nhiên nhiều bộ trưởng các nước nói rằng lựa chọn này vẫn đang được tính đến.

Chuyên gia phân tích cao cấp tại OANDA, ông Edward Moya, nhận xét: “Thị trường dầu hiện vẫn dễ chịu tác động từ cú sốc lớn nếu sản phẩm năng lượng của Nga bị trừng phạt, và rủi ro đó hiện vẫn không thể được loại bỏ”.

Vào ngày thứ Ba, OPEC hạ dự báo sản lượng các sản phẩm hóa lỏng của Nga ước tính khoảng 530.000 thùng/ngày cho năm 2022, tuy nhiên, đồng thời cùng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu thế giới viện dẫn đến căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, lạm phát tăng cao khi mà giá dầu thô tăng mạnh và việc biến chủng Omircon ảnh hưởng mạnh đến Trung Quốc.

Tập đoàn năng lượng Ấn Độ (IOC) mua dầu Urals trong nhiều phiên đấu giá trước đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc đối thoại với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thể hiện quan điểm không hài lòng khi mà Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu của Nga.

Các nước thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đang có kế hoạch xả khoảng 240 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng tới tính từ tháng 5/2022 trong nỗ lực bình ổn thị trường.

Dù rằng việc xả kho dầu dự trữ sẽ nhanh chóng làm giảm đi tình trạng khan hiếm trên thị trường năng lượng, các chuyên gia phân tích nói rằng nó sẽ không làm giảm đi tình trạng thiếu hụt cấu trúc gây ra bởi việc thiếu đầu tư.