Giá điện sẽ tăng, giảm theo thị trường
(Tài chính) Từ sau năm 2015 giá điện sẽ chính thức theo cơ chế thị trường, tức là có tăng có giảm theo biến động giá đầu vào. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, khẳng định Nhà nước vẫn sẽ có cơ chế hỗ trợ riêng cho người nghèo, gia đình chính sách.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Việc điều chỉnh giá điện còn phụ thuộc vào các yếu tố như đầu vào, chi phí nhiên liệu, nguyên liệu, biến động giá, đặc biệt là tình hình thực tế của kinh tế - xã hội. Do đó, Chính phủ và Quốc hội quyết định điều hành giá điện cần phải được điều chỉnh theo định hướng kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Có nghĩa là một mặt điều hành theo cơ chế thị trường nhưng cũng tính đến những tác động về biến động giá điện tới đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp.
Điều hành giá điện thời gian qua đã thực hiện tốt chủ trương đó. Thể hiện là khi có biến động đầu vào, đầu ra về các chi phí liên quan, nhưng từ tháng 8/2013 đến nay giá điện không thay đổi. Việc thực hiện này rất nghiêm túc, đảm bảo ngành điện không quá bị lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng mặt khác, vẫn tiệm cận theo kinh tế thị trường, cũng như không ảnh hưởng đến đời sống, đảm bảo người nghèo không bị ảnh hưởng bởi tác động tăng giá.
Việc điều hành giá điện đã thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp kiềm chế lạm phát, khi chỉ số CPI thấp và làm cho đời sống của hộ nghèo, gia đình chính sách không bị biến động bởi giá điện.
Giá điện tuy được kiềm chế nhưng đầu vào giá than, khí vẫn tăng thì cân bằng lợi ích giữa các bên sẽ như thế nào?
Trong chỉ đạo của Chính phủ giá điện bao gồm 2 yếu tố đầu vào và chi phí nhiên liệu có dầu, khí và chi phí quản lý. Trong các chi phí, chi phí quản lý có thể chủ động được nên cần giảm yếu tố này. Còn chi phí nguyên nhiên liệu, Chính phủ chỉ đạo các bên liên quan như than, khí, ga không thể tuỳ tiện tăng, có điều chỉnh cũng phải theo thị trường.
Một biện pháp điều hành nữa để giảm áp lực tăng giá điện là trong hoàn cảnh cụ thể, có thể phát nguồn thấp hơn thay cho nguồn giá cao. Chúng ta có lợi thế thuỷ điện thì trong mùa mưa trong cơ cấu tỷ lệ phát điện, có thể tăng nguồn này lên, giảm nguồn dầu khí để tổng giá thành phát điện giảm đi.
Dự kiến tới năm 2020 ngành điện sẽ cần thêm 8 tỷ USD để đầu tư cho các công trình xây dựng của mình. Liệu ngành điện có lấy lý do này để tăng giá điện hay không?
Theo lộ trình phát triển ngành điện của Chính phủ, đến năm 2015 chúng ta sẽ đưa giá điện theo đúng thị trường, có tăng có giảm. Tức là nếu yếu tố đầu vào như nhiên liệu, điện, tham giảm thì chắc chắn ngành điện cũng sẽ giảm, nếu tăng thì giá điện cũng tăng theo.
Nhưng dù giá điện tăng/giảm thì vẫn có chính sách hỗ trợ dành cho gia đình chính sách, người nghèo. Chính phủ phân biệt rất rõ DN thì phải kinh doanh, nhưng vai trò của Nhà nước là thực hiện vấn đề xã hội. Vừa qua giá điện với hộ nghèo Nhà nước hỗ trợ là 30 kWh mỗi tháng, phần nhiều các hộ nghèo không sử dụng hết. Chúng ta định hướng kinh tế thị trường nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa là ở đó.
Đặc biệt, ở các vùng hải đảo, biên giới ngành điện phục vụ với tiêu chí đảm bảo tính chính trị. Kéo điện ra hải đảo hết sức tốn kém, nhưng hiện nay chính sách vẫn là giá ngoài hải đảo bằng giá trong đất liền. Đó là chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa và người nghèo. Còn những hộ dùng điện trên 100 kWh trở lên, đang thực hiện theo giá của thị trường.
Chênh lệch tỷ giá cũng là một yếu tố tác động đến giá điện, vấn đề này được tính toán ra sao trong điều hành giá điện?
Vừa rồi các bộ (Bộ Tài chính, Công thương, Ngân hàng Nhà nước…) đã ngồi lại bàn với nhau, tính toán vấn đề điều chỉnh cung độ, mức độ điều chỉnh giá. Thời gian vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, thủy điện nhiều nước nên đã huy động nguồn phát thủy điện để giảm phát điện bằng dầu DO, FO giá cao xuống giá thấp hơn.