Gia hạn tín dụng có phải giải pháp hữu hiệu không?
Trước tình trạng nợ xấu tăng cao tại doanh nghiệp cà phê trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 02, cho phép gia hạn tín dụng xuất khẩu từ 12 tháng lên 36 tháng. Nhưng liệu việc kéo dài thời gian trả nợ có là lối thoát duy nhất hiện nay cho doanh nghiệp?
Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê hầu hết đều tập trung vào ngành kinh doanh chính. Giá cà phê dù lên xuống thất thường nhưng cung - cầu trong và ngoài nước luôn chuyển động mạnh, dòng tiền đi - về không bị tắc. Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê luôn là đối tượng được ưu đãi (thuế xuất khẩu 0%, trong khi thuế nhập khẩu là 15 - 30% tùy loại). Vậy tại sao nhiều doanh nghiệp lại làm ăn thua lỗ, có nợ xấu cao và nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản?
Theo Bộ Tài chính, thời hạn cho vay đối với mặt hàng cà phê thông thường từ 4 - 6 tháng tùy hợp đồng xuất khẩu. Trong khi đó, tín dụng xuất khẩu đã cho phép vay tới 12 tháng. Với thời hạn trả nợ kéo dài so với doanh nghiệp thông thường thì không khó để doanh nghiệp cà phê trả nợ. Việc chậm trả nợ thực chất là do họ thiếu linh hoạt trong kinh doanh và dự báo xu hướng thị trường, thậm chí còn do cố tình găm hàng chờ giá, để giảm lỗ… Điều này khiến không có dòng tiền quay về, cộng với việc hàng tồn kho tăng cao nên họ không thể kiểm soát tình hình. Ngoài ra, không phải doanh nghiệp nào cũng xuất trình hồ sơ chứng từ cho các khoản vay tại VDB, nên khó kiểm soát nguồn vốn vay có sử dụng đúng mục đích hay không.
Với tình trạng chung như vậy, việc giãn nợ cho doanh nghiệp cà phê vay tín dụng xuất khẩu từ 12 tháng lên 36 tháng, bằng cách sửa đổi Nghị quyết 02 của Chính phủ về hỗ trợ thị trường để bổ sung đối tượng này vào danh mục được giãn nợ là điều dễ thực hiện. Tuy nhiên, cách làm này cũng không thể giải quyết được tận gốc cái khó của cả một ngành hàng vì số nợ xấu tại VDB của ngành cà phê chỉ chiếm 11% tổng dư nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.
Điểm yếu nhất của doanh nghiệp cà phê được cho là năng lực quản trị, khả năng dự báo thị trường và năng lực quản trị dòng tiền, kém độ nhạy trong quyết định kinh doanh, kể cả các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu. Không đầu tư ngoài ngành nhưng các quyết định đầu tư dàn trải, lấy vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn dẫn đến mất khả năng trả nợ, đứng trên bờ phá sản. Với các yếu kém mang tính cố hữu và kéo dài của hệ thống các doanh nghiệp cà phê lớn như vậy, rất khó trông chờ vào sự xoay chuyển tình thế của một vài biện pháp giãn nợ hay chỉ trong thời gian ngắn.