Gia Lai: Quy định chặt việc xử lý chất thải nguy hại cho môi trường

PV.

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND quy định việc quản lý chất thải rắn trên địa bàn Tỉnh.

UBND tỉnh Gia Lai khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phân loại riêng chất thải nguy hại để tự lưu chứa tại hộ gia đình.
UBND tỉnh Gia Lai khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phân loại riêng chất thải nguy hại để tự lưu chứa tại hộ gia đình.

Quyết định này quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai bao gồm: Chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn xây dựng, chất thải nhựa, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước; chất thải rắn y tế; tuyến đường và thời gian hoạt động đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại.

UBND tỉnh Gia Lai khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phân loại riêng chất thải nguy hại để tự lưu chứa tại hộ gia đình hoặc bỏ vào thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại do UBND cấp huyện bố trí tại mỗi xã, phường, thị trấn. Thùng lưu chứa chất thải nguy hại phải kín, không rò rỉ, có nắp đậy, in dòng chữ “chất thải nguy hại”.

Hộ gia đình, cá nhân được khuyến khích tự trang bị thùng lưu chứa chất thải nguy hại trong trường hợp tự lưu chứa tại hộ gia đình; phải chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý khi UBND cấp huyện tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý. Hộ gia đình, cá nhân không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

Quyết định nêu rõ, UBND huyện sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để bố trí thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại tại các xã, phường, thị trấn; thực hiện thu gom, vận chuyển và thuê xử lý chất thải nguy hại định kỳ (tối thiểu 1 lần/năm); thông báo rộng rãi thời điểm thu gom chất thải nguy hại cho hộ gia đình, cá nhân biết để phối hợp tổ chức thực hiện.

Đối với việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND Tỉnh nêu rõ, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các tổ chức, cá nhân phải được thu gom và vận chuyển đến các điểm tập kết đúng thời gian, đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tại các khu đô thị, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt tại các thùng đựng rác công cộng trên các đường phố quá 48 giờ và tại các điểm trung chuyển quá 24 giờ; tránh thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong giờ cao điểm (trừ trường hợp đột xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương); không tập kết xe thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các địa điểm dễ gây ùn tắc giao thông.

Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi. Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ.

Tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, điều kiện cung ứng dịch vụ, UBND cấp huyện phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xác định tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp. Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý tại các cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Đối với việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn cồng kềnh, tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải rắn cồng kềnh có trách nhiệm thu gom, tháo rã và giảm kích thước trước khi vận chuyển đến điểm tập kết. Chất thải rắn cồng kềnh sau khi tháo rời phải phân loại thành các thành phần có thể tái chế, tái sử dụng và chỉ thải bỏ các thành phần không thể tái chế, tái sử dụng để giảm thiểu tối đa việc phát thải ra môi trường và tận dụng triệt để giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải rắn cồng kềnh. Chất thải rắn cồng kềnh sau khi tháo rã, giảm kích thước được thu gom, vận chuyển và xử lý.