Thăm dò các mỏ cát phải đánh giá tác động đến môi trường biển
Đó là một trong những nhiệm vụ của công tác thăm dò các mỏ cát biển được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại Thông tư số 14/2024/TT-BTNMT ngày 30/8/2024 quy định kỹ thuật về thăm dò và phân cấp trữ lượng, tài nguyên các mỏ cát biển.
Thông tư số 14/2024/TT-BTNMT nêu rõ, công tác thăm dò các mỏ cát biển phải tuân thủ nguyên tắc tuần tự, từ khái quát đến chi tiết, từ trên mặt đến dưới sâu, từ đo vẽ bản đồ tỷ lệ nhỏ đến đo vẽ bản đồ tỷ lệ lớn. Thu thập đầy đủ các số liệu, tài liệu địa chất phục vụ công tác đánh giá chất lượng, trữ lượng và điều kiện khai thác mỏ làm cơ sở nghiên cứu dự án đầu tư khai thác mỏ.
Thăm dò các mỏ cát biển phải xác định chi tiết về cấu trúc địa chất mỏ, đặc điểm phân bố, hình dạng của thân cát biển; xác định thành phần thạch học, khoáng vật và đánh giá đặc điểm phân bố khoáng vật trong cát; lấy mẫu xác định thành phần hạt, xác định tính chất cơ lý và thành phần các vật chất có ích, có hại đi kèm trong thân cát biển.
Công tác này còn phải đánh giá đầy đủ chất lượng và xác định hệ số thu hồi cát biển theo lĩnh vực sử dụng và khả năng thu hồi các thành phần có ích trong cát biển (nếu có); Đánh giá điều kiện thuỷ - thạch động lực, các yếu tố tác động đến môi trường biển, hệ sinh thái, tai biến địa chất.
Theo Thông tư số 14/2024/TT-BTNMT, công tác thăm dò được thực hiện trên toàn bộ diện tích thăm dò và chiều sâu phân bố cát biển bằng tổ hợp các phương pháp chủ yếu: trắc địa; địa chất; địa vật lý; quan trắc thuỷ - thạch động lực; địa chất môi trường, tai biến địa chất; xây dựng mô hình số trị; công trình thăm dò; lấy và gia công mẫu; phân tích mẫu bằng các phương pháp: hóa học, cơ lý; xác định khả năng, lĩnh vực sử dụng cát biển; công nghệ khai thác, tuyển, rửa cát biển.
Việc lựa chọn loại công trình thăm dò (khoan máy, ống phóng rung) căn cứ vào độ sâu mực nước, điều kiện địa chất, điều kiện thi công, tính năng kỹ thuật của thiết bị. Tỷ lệ lấy mẫu trong công trình thăm dò phải đạt ≥ 75%.
Thông tư này cũng quy định cụ thể về yêu cầu nghiên cứu hiện trạng địa chất môi trường, tai biến địa chất. Theo đó, đối với trầm tích tầng mặt, xác định thành phần trầm tích, màu sắc, mùi vị, khả năng chứa độc tố, đo các thông số cơ bản về môi trường trầm tích đáy; thành phần và tỷ lệ sinh vật bám đáy. Lấy mẫu đại diện để đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường trầm tích theo QCVN 43:2017/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng trầm tích.
Đối với môi trường nước biển, xác định dấu hiệu ô nhiễm do hoạt động nhân sinh (váng dầu, rác thải, chất thải khác,…), đánh giá khả năng phát tán theo chế độ thủy hải văn. Đo đạc thu thập các thông số; lấy mẫu nước đại diện để đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường nước theo QCVN 10:2023/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.
Nghiên cứu hiện trạng địa chất môi trường, tai biến địa chất phải thu thập hoặc khảo sát hiện trạng tai biến địa chất, trong đó có các hiện tượng xói lở bờ biển, bồi lấp luồng lạch, sụt lún, ô nhiễm môi trường, cát chảy, xói mòn, sạt lở bậc thềm. Bên cạnh đó, thu thập hoặc quan trắc môi trường kết hợp với công tác quan trắc chế độ thủy - thạch động lực; dự báo các khu vực có khả năng ô nhiễm môi trường khi khai thác cát biển; đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong và sau khai thác...