Gia Lai: Tịch thu hơn 2.000 bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ


Trong đợt kiểm tra thị trường dịp Tết Trung thu năm 2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Gia Lai đã phát hiện và tịch thu 2.031 bánh trung thu, 450 bánh giăm bông, 224 bánh bông lan các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa vi phạm trên 16 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Ảnh: QLTT)
Lực lượng chức năng kiểm tra bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Ảnh: QLTT)

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường Công an thành phố Pleiku kiểm tra đột xuất và phát hiện hộ kinh doanh N.T.D tại phường Hội Phú, Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đang kinh doanh 2.031 bánh trung thu các loại mà không có hóa đơn, chứng từ hoặc tài liệu kèm theo chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; trên sản phẩm hàng hóa không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Ngày 30/8, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng đã phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh tại phường Trà Bá, thành phố Pleiku do bà P.T.B làm chủ đang kinh doanh 450 bánh giăm bông và 224 bánh bông lan không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, bà P.T.B cũng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với 02 cơ sở kinh doanh trên với tổng số tiền xử phạt 27.500.000 đồng, tịch thu toàn bộ số bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Công văn số 1339/UBND-KGVX ngày 14/8/2024 của UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo về tổ chức các hoạt động Tết Trung thu năm 2024 và Công văn số 201/QLTTGL-NVTH ngày 16/8/2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai về việc tăng cường kiểm tra thị trường trong dịp Tết Trung thu; Đội Quản lý thị trường số 1 sẽ chủ động, phối hợp kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, các loại văn hóa phẩm có nội dung độc hại, đồ chơi, trò chơi có tính chất bạo lực, phản giáo dục, kém chất lượng, nguy hiểm, không phù hợp với trẻ em; tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm có chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đặc biệt là các sản phẩm đồ chơi trẻ em để bảo vệ môi trường sống an toàn, lành mạnh./.

 

Theo dangcongsan.vn