Giá thực phẩm ngày 7/7: Quay đầu tăng giá, nguồn cung hàng hóa dồi dào
Giá rau củ quả, thực phẩm hôm nay 07/7 tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quay đầiu tăng giá nhẹ. TP. Hồ Chí Minh đóng cửa toàn bộ chợ đầu mối tuy nhiên nguồn cung thực phẩm vẫn đảm bảo.
Tại TP. Hồ Chí Minh, giá rau cải xanh, cải ngọt 16.000 đồng/kg tăng 2000 đồng/kg với ngày hôm qua, rau mùng tơi 18.000 đồng/kg tăng 2.000 đồng/kg, bắp cải trắng 16.000 đồng/kg tăng 2000 đồng/kg, cà chua Đà Lạt 25.000 đồng/kg tăng 5000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 23.000 đồng/kg tăng 3000 đồng/kg, rau muống 15.000 đồng/kg tăng 2000 đồng/kg...
Tại Đồng bằng sông Cửu Long giá nhiều loại rau cũng có xu hướng tăng nhẹ. Rau xà lách 15.000 đồng/kg tăng 2000 đồng/kg, rau muống 15.000 đồng/kg tăng 1.000 đồng/kg, rau mùng tơi 15.000 đồng/kg tăng 3.000 đồng, hành lá 20.000 đồng/kg, đậu ve 16.000 đồng/kg, đậu đũa 14.000 đồng/kg tăng 2000 đồng/kg...
Giá thủy hải sản tại các siêu thị ổn định. tôm càng xanh 260.000 đồng/kg, cá rô phi 35.000 đồng/kg, cá điêu hồng 45.000 đồng/kg, lươn loại 1 giá 240.000 đồng/kg, lươn loại 2 giá 180.000 đồng/kg, ếch nuôi giá 55.000 đồng/kg. Cá hồi tươi 450.000 đồng/kg, cua thịt 320.000 đồng/kg...
Tính đến sáng nay 7/7, cả 3 chợ đầu mối của TP. Hồ Chí Minh là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức đã chính thức ngừng hoạt động vì xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19. Hơn phân nửa chợ truyền thống cũng đã bị phong tỏa khiến việc lưu thông, cung ứng hàng hóa ở thành phố gặp không ít khó khăn.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Sở đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, không gây thiếu hụt nguồn hàng, biến động giá cả. Sở đã thông tin đến Sở Công Thương 22 tỉnh, thành Nam bộ về việc tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối và đề nghị hỗ trợ thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại hai chợ đầu mối này tạm ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ, tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.
Đến nay, các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op (hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food), Central (hệ thống Big C, Go!), Satra (hệ thống cửa hàng Satra Food, siêu thị Sài Gòn, VinMart, VinMart+, Lotte Mart, MM Mega Market... đã chuẩn bị lượng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, hàng thiết yếu tăng gấp 3- 5 lần để dự trù cho tình huống lượng mua sắm tăng cao trong những ngày tới khi nhiều chợ truyền thống đóng cửa.
Nguồn hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Hiện Sở Công Thương đang chủ trì, phối hợp các hệ thống phân phối lớn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực tổ chức các điểm bán hỗ trợ cho những địa bàn có các điểm bán phải tạm ngưng hoạt động. Ngoài ra, Sở cũng đang phối hợp các hiệp hội ngành nghề tổ chức các chương trình phân phối hàng hóa đến tận tay người dân các vùng cách ly, vùng phong tỏa...