Giá vàng tiếp tục tăng “dựng đứng”
Trong vòng 2 ngày, giá vàng trong nước tăng khoảng 3 triệu đồng/lượng cả ở chiều mua vào và bán ra tùy theo thương hiệu.
Khảo sát giá vàng chiều 22/10 cho thấy, vàng SJC tại TP. Hà Nội và TP. Đà Nẵng được niêm yết là 87 triệu đồng/lượng mua vào, 89 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm qua).
Vàng SJC Phú Quý được niêm yết 87 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 1 triệu đồng/lượng), 89 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 1 triệu đồng/lượng).
Vàng DOJI tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh: 87 triệu đồng/lượng mua vào, 89 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 1 triệu đồng/lượng cả ở chiều mua vào và bán ra).
Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 87 triệu đồng/lượng mua vào, 89 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 86,23 triệu đồng/lượng mua vào, 87,63 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng nhẫn PNJ tại TP. Hồ Chí Minh và vàng PNJ tại Hà Nội có giá 86,1 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 300.000 đồng/lượng so với ngày 21-10), 87,1 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 350.000 đồng/lượng so với hôm qua).
Như vậy, sau 2 ngày, giá vàng miếng đã tăng 3 triệu đồng/lượng, lên 89 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn cũng chạm mức gần 87 triệu đồng/lượng.
Đầu phiên giao dịch ngày 21/10 (theo giờ Mỹ), giá vàng thế giới phá vỡ kỷ lục được thiết lập từ phiên cuối tuần trước, đạt mức cao kỷ lục mới ở mức 2.740,4 USD/ounce.
Giá vàng tiếp tục được hỗ trợ bởi hàng loạt bất ổn địa chính trị tại Trung Đông và sự kỳ vọng vào chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp vào đầu tháng 11/2024.
Theo ông Phan Dũng Khánh – Chuyên gia tài chính, Giám đốc Tư vấn Đầu tư tại Maybank Investment Bank, do tình hình bất ổn trên thế giới, căng thẳng tại Trung Đông, Đông Âu… vẫn hết sức phức tạp khiến nhà đầu tư lựa chọn trú ẩn vào tài sản như vàng, tiết kiệm và đồng Yen của Nhật. Điều này đã đẩy giá vàng thế giới tăng cao mức kỷ lục. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây khi mọi thứ trở nên khó đoán hơn thì dòng tiền cũng đa dạng hóa các kênh đầu tư.
"Thị trường đang diễn ra một hiện tượng hết sức hiếm hoi, đó là giá vàng, chứng khoán và USD cùng tăng. Thông thường, giá USD tăng thì vàng sẽ giảm, nhưng nay cả hai đi cùng chiều. Giá vàng hiện nay đã tăng khá mạnh so với đầu năm và khả năng những yếu tố trên sẽ hỗ trợ kim loại quý tiếp tục tăng lên mức giá 3.000 USD/ounce vào thời điểm cuối năm nay, đầu năm sau. Trường hợp mức giá này xuất hiện thì vàng tăng 50% trong năm 2024, ghi nhận mức tăng khủng khiếp trong lịch sử thị trường vàng. Trong vòng 20 - 30 năm qua, những năm vàng có tốc độ tăng cao nhất cũng chỉ 20 - 30% là nhiều", ông Khánh dự báo.
Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh cũng lưu ý có một số yếu tố ngăn cản đà tăng giá của kim loại quý trong thời gian tới. Đó là giá USD tăng, chính trị ở các nước bớt căng thẳng, từ đó dòng tiền có thể sẽ rút dần ra khỏi vàng. Ngoài ra, động thái chốt lời ở mức giá cao kỷ lục 3.000 USD/ounce có thể sẽ xảy ra cũng sẽ làm giá vàng đi xuống.
"Khi mọi người quá tập trung vào vàng thì giá sẽ tăng cao và khi hoạt động chốt lời diễn ra hàng loạt trên thị trường quốc tế, giá sẽ nhanh chóng giảm trước khi có đợt tăng mới. Người dân cần thận trọng vì dù giá vàng còn khả năng tăng nhưng coi chừng mua trúng đỉnh, đồng thời đừng thấy giá cao mà vay vàng để bán, rất dễ bị lỗ", ông Phan Dũng Khánh khuyến cáo.
Mới đây, trong buổi Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát và duy trì với biên độ phù hợp, khoảng 4 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng đã ổn định trở lại, góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô.