Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng rủi ro từ CPI tháng 7 của Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ được công bố trong tuần tới có thể sẽ tác động trực tiếp đến giá vàng tuần tới.
Trong tuần qua, giá vàng quốc tế tiếp tục tăng mạnh từ mức 1.754 USD/oz lên mức 1.794 USD/oz do các nhà đầu tư lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái sẽ khiến Fed phải kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện hành. Tuy nhiên, thông tin thị trường lao động Mỹ được công bố cuối tuần này bất ngờ tích cực hơn nhiều so với dự kiến và kỳ trước, giúp xoa dịu nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ, đẩy giá vàng xuống 1.764 USD/oz và sau đó đóng cửa ở mức 1.775 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã tăng từ mức 66,7 triệu đồng/lượng lên mức 68,4 triệu đồng/lượng, sau đó giảm xuống mức 67,3 triệu đồng/lượng ở phiên cuối tuần này.
Trong tháng 7, kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 528.000 việc làm, cao gấp hơn 2 lần so với mức dự kiến 250.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ mức 3,6% xuống 3,5%. Điều này cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn đang trên đà phục hồi, dù vẫn còn kém xa so với mức trước khi xảy ra dịch COVID-19. Việc làm tăng trưởng mạnh có nghĩa hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ vẫn phát triển tốt, góp phần xoa dịu nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ. Và điều này cũng sẽ phần nào mở đường cho Fed tiếp tục tăng thêm khoảng 75 điểm phần trăm lãi suất nữa trong cuộc họp tháng 9 tới.
Trong thời gian tới, Mỹ sẽ còn công bố nhiều số liệu kinh tế quan trọng khác, đặc biệt là doanh số bán lẻ, đơn đặt hàng hóa bền lâu… Do đó, kinh tế Mỹ có bị suy thoái thực sự hay không vẫn còn phụ thuộc vào các số liệu kinh tế.
Trong khi đó, chiến sự Nga- Ukraine vẫn còn diễn biến phức tạp; các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây đối với Nga sẽ ngày càng gia tăng; thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine khó được thực hiện như cam kết, trong khi Trung Quốc mới chỉ nới lỏng một phần chính sách zero-COVID. Do đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa được cải thiện nhiều, có thể vẫn sẽ tiếp tục đẩy giá nhiều loại hàng hóa gia tăng, gây áp lực tăng lạm phát ở nhiều quốc gia, không chỉ khiến Fed, mà nhiều ngân hàng trung ương khác cũng phát tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Trong tuần này, Mỹ sẽ công bố chỉ số CPI tháng 7 dự kiến tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 9,1% trong tháng 6. Nếu chỉ số này tăng mạnh hơn dự kiến và kỳ trước, chắc chắn Fed sẽ tăng thêm 75 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới, gây bất lợi cho giá vàng tuần tới. Ngược lại, nếu CPI tháng 7 giảm mạnh hơn dự kiến, Fed có thể chỉ tăng khoảng 25- 50 điểm phần trăm lãi suất, sẽ tác động tích cực đến giá vàng tuần tới.
Tuy nhiên về dài hạn, áp lực lạm phát càng tăng, trong khi việc tăng lãi suất của Fed cũng đã gần đến cuối chu kỳ, sẽ tác động tích cực đến giá vàng. Theo đó, giá vàng có thể sẽ quay trở lại 2.000 USD/oz, nhất là khi nhu cầu vàng vật chất phục hồi.
Ông Frank Cholly, Chuyên gia phân tích cao cấp của Tập đoàn RJO Futures, cũng cho rằng các nhà đầu tư cần lưu ý đến chỉ số CPI của Mỹ được công bố trong tuần tới, vì nó sẽ quyết định nhiều đến việc thắt chặt tiền tệ của Mỹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu chỉ số này tăng mạnh, thì cũng không đẩy giá vàng giảm sâu, vì mối lo ngại suy thoái kinh tế Mỹ vẫn còn hiện hữu. Do đó, Fed cũng sẽ thận trọng trong việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới và có thể sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trước cuối năm nay.
“Giá vàng giảm vào phiên cuối tuần này sau khi số liệu việc làm của Mỹ được công bố không có nghĩa sẽ có một đợt bán tháo đáng kể đẩy giá vàng tuần tới quay trở lại vùng 1.700 USD/oz. Vùng 1.750- 1.770 USD/oz sẽ là mức hỗ trợ tốt cho giá vàng ngắn hạn. Nếu vùng này bị phá vỡ, giá vàng tuần tới có thể xuống tới 1.735 USD/oz, nhưng hiện đã có nhiều lệnh đặt chờ mua ở mức giá này”, ông Frank Cholly nhận định và cho biết thêm, giá vàng cần đóng cửa trên 1.812 USD/oz thì xu hướng tăng ngắn hạn mới được đã xác lập. Theo đó, giá vàng có thể lên tới 1.850- 1.875 USD/oz hoặc cao hơn nữa.