Giá vàng Việt Nam “đang qua mặt” giá thế giới
Tuần qua, giá vàng thế giới ghi mức kỷ lục 1.431,25 USD/ounce trước việc đồng USD yếu và những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ, thâm hụt ngân sách trong khu vực đồng euro. Như vậy, chưa đầy một tháng, lần đầu tiên tốc độ tăng giá vàng cao hơn trước đó 2,23%.
Có khả năng vàng tăng cường vị thế như một nơi trú ẩn an toàn nếu tình hình tại châu Âu và bán đảo Triều Tiên trở nên xấu hơn. Tuy nhiên, theo ông Pierre Lapointe, nhà chiến lược vĩ mô thuộc tập đoàn môi giới và tư vấn quốc tế “Brockhouse Cooper”, giá cổ phiếu vàng đã không thể theo kịp sự tăng giá của vàng thỏi, do vậy giá vàng có thể đã bị đẩy lên quá cao.
Giá vàng thế giới tăng mạnh là một nguyên nhân quan trọng khiến giá vàng ở Việt Nam "đại nhảy vọt". Tâm điểm vào ngày 9/11, từ lúc mở cửa, giá vàng tăng vọt hơn 1 triệu đồng mỗi lượng sau khi thị trường quốc tế lập kỷ lục mới 1.410 USD/ounce. Nếu lấy tỉ giá 21.000 đồng/USD thì mỗi lượng vàng thế giới quy đổi có giá khoảng 35,80 triệu đồng. Như vậy giá vàng Việt Nam bỏ xa giá thế giới hơn 2,5 triệu đồng/lượng chỉ trong một buổi sáng.
Rồi theo đó, thị trường vàng trong nước cứ thế vượt dốc đến đỉnh cao nhất 38 triệu đồng đứng được cả một ngày rồi trồi sụt cả tháng chỉ còn 34,7 triệu đồng. Vậy mà đến ngày 13/12 vừa qua lại vọt đứng ở ngưỡng 36 triệu đồng/lượng. Hiện các doanh nghiệp kim hoàn đẩy lên mức 36,1 triệu đồng/lượng tăng 200.000 đồng so với ngày hôm trước (12/12). So với giá vàng thế giới giá vàng trong nước hiện cao hơn khoảng 500.000 đồng/lượng. Nguyên nhân giá vàng trong nước tăng ở kỳ này còn bởi giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đang đứng ở nấc cao 21.170 đồng/USD. Trong khi khối ngân hàng thương mại, tỷ giá đô la Mỹ vẫn niêm yết ở mức kịch trần là 19.500 đồng.
Thập kỷ qua, mọi chuyện đã đổi khác, giống như cuối thập niên 1970 khi đó thế giới chứng kiến nhu cầu đối với vàng tăng cao, lạm phát tăng cao. Và nay vấn đề sẽ là sự suy yếu của kinh tế các nước giàu bắt nguồn từ các món nợ mà một loạt chuyên gia ngành ngân hàng cho đến những người vay mua nhà dưới chuẩn đã ôm vào, 2 nhóm người với cùng 1 điểm chung: họ không ý thức được rõ ràng những rủi ro. Câu chuyện thập niên 1980 và 2010 khác nhau trên nhiều phương diện, thế nhưng cùng dẫn đến một kết luận: trong hệ thống tiền tệ hiện tại, chẳng có gì thực sự tồn tại đằng sau giá trị của các đồng tiền. Vàng vì thế trở thành công cụ thay thế.
Nguyên nhân tiếp theo được cho là từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22/TT-NHNN về quản lý hoạt động huy động và cho vay bằng vàng đối với các tổ chức tín dụng đã khiến cho nguồn cung vàng trên thị trường bị khan hiếm nên đẩy giá leo cao.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), khẳng định: Việc ban hành Thông tư 22 là cần thiết nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Trong đó, một lượng vàng rất lớn từ dân cư sẽ được chuyển đổi thành tiền, để tái đầu tư cho nền kinh tế, sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Đồng thời, khi thực hiện chính sách này, hệ thống ngân hàng gần như đứng ngoài sự “nhảy múa” của vàng khi giá vàng thế giới lên xuống thất thường. Nhờ đó, rủi ro tín dụng bằng vàng sẽ không còn; đồng thời cũng triệt tiêu hành vi từ một số tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn bằng tiền chuyển đổi để quay vòng đầu cơ vàng, ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến thị trường ngoại hối cũng như tỷ giá. Trước cơn sốt vàng, rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảnh báo tình trạng “quả bóng vàng” sẽ xì hơi do giá trị của chúng bị định giá quá cao so với thực tế, trong khi yếu tố “giá trị sử dụng” của vàng rất thấp. Còn theo ông Phí Đăng Minh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), hiện nay số dự trữ vàng của Mỹ lên tới 8.000 tấn, khi USD giảm giá, cả thế giới sẽ lo sốt vó đi tìm các công cụ bảo toàn giá trị tài sản và vàng là sự chọn lựa số 1. Vì thế, khi thực thi phá giá đồng USD, Mỹ vẫn khôi phục được kinh tế, trong khi giá trị các khoản nợ và thâm hụt thương mại giảm và điều quan trọng hơn là tài sản quốc gia lại tăng lên nhờ vàng tăng giá. Một số người bi quan rằng, có thể đây là khởi đầu cho cuộc chiến tiền tệ và sau đó là chiến tranh thương mại trong một tương lai không xa. Bởi lẽ, với chính sách này, xuất khẩu của Mỹ sẽ thành công và nhập khẩu thu hẹp lại, trong khi các nước trên thế giới sẽ là nơi tiêu thụ hàng hóa cho Mỹ. Hiện tại, rất nhiều nước có đồng tiền mạnh ra sức bảo vệ đồng tiền của mình nhằm tránh sa vào cái bẫy tiền tệ nói trên Lý thuyết kinh tế vĩ mô cho rằng, lạm phát thường là hệ quả của 3 yếu tố: tiền tệ, chi phí đẩy và cầu kéo. Đối với trường hợp Việt Nam hiện nay, các chuyên gia đều nhấn mạnh, lạm phát phần lớn là do yếu tố tiền tệ mà nguyên nhân sâu xa là bội chi ngân sách quá mức, nhưng không tạo thêm nhiều việc làm và của cải như kỳ vọng. Bởi thế, lực lượng tiền tệ này đã quay trở lại tấn công vào hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng, tác động xấu đến đời sống và làm trầm trọng thêm tâm lý găm giữ, tích trữ tài sản (vàng, USD) trong xã hội.
Từ thực tế này, có thể thấy, để vàng đóng góp giá trị thực sự cho nền kinh tế, một trong những vấn đề cốt lõi là kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất và ổn định giá trị đồng tiền. Còn nếu ngược lại, nền kinh tế sẽ phải sống chung với sự nổi loạn của vàng, chấp nhận thực tế dòng tiền bị rối ren, bên cạnh một chút lợi ích từ nghề... sản xuất, buôn bán két sắt mà vàng mang lại.