Giả xuất xứ hàng hóa: Tác hại khôn lường
Việc các công ty nước ngoài "mượn" xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa vào nước khác có thể gây thiệt hại nặng nề cho hàng hóa Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2018, lượng xe đạp điện của Việt Nam xuất khẩu sang EU là trên 138.000 chiếc, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2017. Bộ Công Thương cảnh báo, lượng xuất khẩu tăng nhanh, trùng với thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với xe đạp điện nhập từ Trung Quốc, có thể dẫn tới nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số DN xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới DN xuất khẩu chân chính. Do đó, Bộ Công Thương đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.
Không chỉ xe đạp điện, trong năm 2018, hàng chục loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như sắt, thép, tấm năng lượng mặt trời, tôn, gỗ ván ép, nguyên liệu thủy sản… có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu một cách đột biến từ 20-47%. Sự gia tăng đột biến này khiến nhiều mặt hàng Việt Nam rơi vào các vụ kiện điều tra chống lẩn tránh thuế với 19 vụ điều tra chống lẩn tránh đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được triển khai.
Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do, mới nhất là CPTPP. Theo đó, các loại hàng hóa sẽ dần dần được hưởng thuế nhập khẩu thấp hoặc giảm về 0%. Điều này khiến tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa có nguy cơ ngày càng cao, không chỉ khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng hóa mà còn gây tác hại khôn lường đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Nhằm hạn chế tình trạng này, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Đề án phòng, chống gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa, trong đó đề xuất phải giám sát chặt chẽ số liệu về xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa.
Đơn cử, khi một nhóm hàng hóa có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu và cũng gia tăng một cách tương ứng kim ngạch xuất khẩu sang một thị trường khác, đó là biểu hiện nguy cơ rất rõ. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính để tổ chức theo dõi, nắm bắt những diễn biến bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường, từ đó đưa ra cảnh báo sớm về việc gia tăng để các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, DN nắm được thông tin.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc ghi nhãn mác hàng hóa, đồng thời, sẽ phối hợp các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao trong việc làm giả xuất xứ Việt Nam.
Bộ Công Thương đề xuất tăng hình phạt cho DN vi phạm. Hiện nay, mức phạt cao nhất chỉ là 200 triệu đồng/vụ, nhưng nếu thực hiện trót lọt, mỗi vụ việc, DN có thể kiếm lời hàng tỷ đồng.