Giải bài toán sản xuất và tiêu thụ nông sản

Theo Vân Nguyên/Báo Phú Yên

“Để từng bước giải bài toán quan hệ sản xuất và thị trường, các đơn vị, địa phương phải đưa ra định hướng sản xuất phù hợp, gắn với kế hoạch tiêu thụ và xúc tiến thương mại. Trước mắt, trong 6 tháng cuối năm phải dự báo kế hoạch tiêu thụ những nông - lâm - thủy sản chính, tránh bị động và nông sản không tiêu thụ được”.

Ngư dân khai thác cá ngừ đại dương phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Vân Nguyên
Ngư dân khai thác cá ngừ đại dương phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Vân Nguyên

Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã yêu cầu như vậy tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 của Bộ NN-PTNT, vừa tổ chức tại Hà Nội.

Theo đó, các lĩnh vực sản xuất cần phải giảm sử dụng vật tư đầu vào; sử dụng vật tư thân thiện môi trường; sản xuất an toàn thực phẩm; nâng cao chế biến; đảm bảo thị trường tiêu thụ tốt, giá trị tăng cao, nhất là cho nông dân và các thành phần tham gia chuỗi.

Sản lượng tăng chưa chắc đồng nghĩa với giá trị gia tăng

“Theo cách tính giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay, tăng trưởng ngành là do tăng năng suất, sản lượng tăng. Điều đó chứng tỏ năng lực sản xuất, năng suất, sản lượng nông - lâm - thủy sản đang rất tốt. Nhưng thực tế, sản lượng tăng chưa chắc đồng nghĩa với giá trị gia tăng. Người làm ra sản phẩm chưa chắc được hưởng lợi nhiều và đủ để tái đầu tư, tái sản xuất trong điều kiện vật tư đầu vào tăng”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề.

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây nhiều khó khăn cho các chuỗi cung ứng hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông - lâm - thủy sản.

Tại Phú Yên, thời gian qua, việc kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến giá trứng chim cút xuống thấp chưa từng thấy. Để thu hồi vốn, người chăn nuôi phải bán tháo cả trang trại chim cút mái, dù lỗ hàng trăm triệu đồng. Còn tại vùng sản xuất muối Sông Cầu, những năm qua diêm dân luôn đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”.

Địa phương này có gần 200ha muối, với 570 hộ dân làm muối; trong đó có 13,5ha sản xuất muối sạch áp dụng phương pháp trải bạt. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết, mặc dù tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được nhãn hiệu Muối Tuyết Diêm, nhưng hoạt động sản xuất muối vẫn không ổn định, trong đó có nguyên nhân giá cả bấp bênh, khó tiêu thụ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị chuyên môn theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… để sớm đưa ra những khuyến cáo, chỉ đạo kịp thời trong sản xuất những tháng cuối năm. Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể cần chủ động phối hợp, hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản kể cả thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các loại nông sản vào mùa thu hoạch lớn. Ngoài ra, các địa phương cần phải quản lý, giám sát chặt chẽ về quy hoạch sản xuất; nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý quy hoạch, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch, không kiểm soát được.

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ cấu lại nông nghiệp mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng chưa đồng đều. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế.

Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp chưa phổ biến và tỉ lệ giá trị liên kết còn thấp. Việc triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ còn chậm do dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước còn phong tỏa, hạn chế đi lại.

Triển khai quyết liệt các giải pháp

Để giải bài toán trong quan hệ sản xuất và thị trường, theo ông Nguyễn Trọng Tùng cần phải đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Người nông dân không đủ sức và không có thông tin thị trường, một khi liên kết giữa các bên với nhau nông dân sẽ có được thông tin về thị trường cần gì, cần bao nhiêu, để từ đó tổ chức sản xuất.

6 tháng cuối năm 2021, Bộ NN-PTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 3-3,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt khoảng 45 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngành Nông nghiệp triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh phù hợp với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và trong bối cảnh tiếp tục chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Trong trồng trọt, ngành sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa. Với các loại rau, màu do có thời gian sinh trưởng ngắn, căn cứ vào tình hình nhu cầu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.

Các loại cây công nghiệp, cây ăn quả sẽ được theo dõi sát sản xuất để có chỉ đạo rải vụ phù hợp. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng, việc rà soát đánh giá lại các loại cây trồng chủ lực, có diện tích sản xuất lớn kết hợp với khả năng tiêu thụ là rất cần thiết, nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá.

Trong chăn nuôi, ngành Nông nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục khôi phục, tăng đàn heo; ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác. Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi; xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đối với thủy sản tập trung vào các đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá ngừ đại dương…; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo bước đột phá trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể cần chủ động phối hợp, hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản kể cả thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là các loại nông sản vào mùa thu hoạch lớn.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan