Giải ngân trái phiếu chính phủ, tăng tốc đẩy vốn ra nền kinh tế

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Trong 2 tháng đầu năm, Chính phủ đã huy động được gần 57.000 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP). Đây là con số rất cao và kết quả tốt nhất trong thời gian qua. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân TPCP chậm chạp đang khiến dòng vốn vào nền kinh tế bị méo mó. Vì vậy, việc quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng tốc giải ngân vốn TPCP đang là yêu cầu cấp bách.

Giải ngân trái phiếu chính phủ, tăng tốc đẩy vốn ra nền kinh tế
Thừa vốn, nhiều ngân hàng dồn tiền mua TPCP để giảm rủi ro. Nguồn: internet

Ngân hàng trú ẩn

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, sau Tết Nguyên đán năm nay, tiền chảy vào hệ thống ngân hàng rất nhiều. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hết sức dồi dào.

Tuy nhiên, do đặc thù và diễn biến của sản xuất kinh doanh, trong 2 tháng này tăng trưởng tín dụng đang âm khoảng 1,6%. Tiền thừa nhiều, trong khi bí đầu ra ở kênh tín dụng, các ngân hàng đã dồn vốn vào kênh trái phiếu, nhất là TPCP.

Mặc dù lãi suất trái phiếu liên tục giảm mạnh, chỉ còn 6,1-7,63%/năm theo kỳ hạn 2-5 năm, nhưng những kỳ phát hành TPCP vừa qua đều nhanh chóng hoàn thành. Chỉ tính riêng phiên đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành qua sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 6/3 vừa qua, hơn 10.000 tỷ đồng với 3 loại kỳ hạn 2 năm (3.000 tỷ đồng), 3 năm (4.000 tỷ đồng) và 5 năm (3.000 tỷ đồng) đều được huy động hết.


Vì dư thừa vốn, các ngân hàng đang đổ xô vào trái phiếu, tất cả cùng chạy về một hướng, nhưng vừa chạy vừa lo. Lo khi tất cả cùng đổ xô đi mua, hàng sẽ lên giá. Ở đây, thực tế lãi suất trái phiếu liên tục giảm. Ngân hàng có nhu cầu mua để tạo bộ đệm thanh khoản. Nhưng khi tất cả cùng chạy về một hướng như vậy, lãi suất trái phiếu còn giảm nữa, khả năng sinh lời ở kênh này càng hạn chế. Chưa nói nếu các ngân hàng chốt lời trái phiếu, thu tiền về để làm gì khi tín dụng èo uột.

Ông Trịnh Quang Anh,  Chuyên gia kinh tế

Đây là phiên đấu thầu thứ 2 có khối lượng trúng thầu kỷ lục với mức lãi suất trúng thầu ở tất cả các kỳ hạn đều thấp hơn phiên trước. Trước đó, vào ngày 26-2, 10.000 tỷ đồng TPCP đã được huy động thành công qua HNX. Thông tin từ HNX cho thấy các ngân hàng vẫn là khách hàng chính đầu tư vào TPCP. Hầu hết ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Maritime Bank, VIB... đều tham gia đầu tư TPCP trong các phiên đấu thầu.

Lý giải về tình trạng trên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng đầu tư nhiều vào TPCP trong bối cảnh ngân hàng dư vốn, tín dụng tăng trưởng âm, được coi là kênh phân tán rủi ro. Việc đầu tư quá nhiều vào trái phiếu cho thấy tình hình hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Vốn không chảy vào những lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích.

“Mặc dù lãi suất TPCP hiện nay thấp hơn nhiều so với trước đây, nhưng với tình hình hiện nay, lãi thấp còn hơn tiền nằm chết trong kho ngân hàng” - ông Lực nói.

Một nguyên nhân khác khiến các ngân hàng đổ xô mua trái phiếu là do những tháng đầu năm các tổ chức tín dụng thường mua nhiều chứng khoán nợ. Riêng lượng trái phiếu đến ngày đáo hạn đợt đầu năm 2014 theo ước tính vào khoảng 60.000-70.000 tỷ đồng. Vì thế, các ngân hàng phải tập trung mua TPCP để bù đắp các khoản đáo hạn này.

Dòng tiền luẩn quẩn

Với định hướng gia tăng đầu tư công để kích thích tổng cầu trong năm 2014, việc chỉ trong 2 tháng đầu năm đã hoàn thành tới trên 50% mục tiêu phát hành TPCP (57.000/100.000 tỷ đồng) là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, tốc độ giải ngân chậm chạm của nguồn vốn TPCP lại khiến dòng tiền vào nền kinh tế trở nên luẩn quẩn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước sau 2 tháng mới đạt 11,6% kế hoạch cả năm.


Để có thể hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2014, ngoài các dự án trên Quốc lộ 1 và 14, tới đây Bộ Giao thông-Vận tải cũng chỉ đạo thi công dứt điểm nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã được bố trí vốn, trong đó có nhiều tuyến cao tốc như Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành. Ngoài ra, một số dự án lớn khác như Nhà ga T2 Nội Bài, Cảng Hàng không Cát Bi, cảng Lạch Huyện, đường Tân Vũ - Lạch Huyện cũng là những dự án lớn sẽ được tập trung đẩy mạnh thi công trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hoằng,
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Giao thông-Vận tải

Tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm thấp diễn ra ở cả cấp trung ương và cấp địa phương. Ở cấp trung ương, tỷ lệ thực hiện còn thấp: Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (9,3%), Bộ Xây dựng (8,3%), Bộ Y tế (9,8%), Bộ Tài nguyên - Môi trường (9,9%). Ở cấp địa phương, có một số nơi tỷ lệ rất thấp, như TP. Hồ Chí Minh (mới đạt 5,5%), Bình Dương (7%)… So với cùng kỳ năm 2013, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện cũng giảm 1,2% (tính theo giá thực tế); cấp trung ương quản lý giảm 0,9%.

Huy động được lượng lớn TPCP nhưng không giải ngân nhanh nên nguồn vốn này  được kho bạc gửi tại các ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn. Trong khi Chính phủ phải chi tiền ngân sách để trả lãi suất 6,2-7,5%/năm cho các kỳ trái phiếu huy động, việc đem vốn gửi tại ngân hàng với lãi suất dưới 2%/năm nên số tiền gửi càng lớn, càng kéo dài càng khiến ngân sách thiệt thòi.

Mặt khác, khi nguồn vốn TPCP giải ngân chậm, các dự án đầu tư sẽ bị ách tắc, không tạo ra được tác động lan tỏa tới các ngành sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, điều này càng khiến dòng vốn tín dụng “nằm chết” trong kho, bởi doanh nghiệp không dám vay và ngân hàng cũng không dám cho vay.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, điều đáng lo ngại hơn cả là tiền vẫn không đi vào sản xuất. Khi tiền ứ đọng cũng có nghĩa sản xuất gặp khó khăn. Sản xuất khó khăn thì khó tạo thêm việc làm, thêm thu nhập, qua đó không kích thích được tiêu dùng, không thể làm tăng tổng cầu.

“Vốn ngân hàng thừa chạy lòng vòng, sau đó lại chui vào ngân hàng, như vậy chỉ tạo ra vòng quay ảo, không có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển” - TS. Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, vốn trái phiếu ứ đọng còn có thể đe dọa thanh khoản hệ thống ngân hàng. Nếu xảy ra tình trạng kho bạc bất ngờ rút tiền với những khoản lớn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Cần tăng tốc từ đầu năm

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng giải ngân vốn cho xây dựng cơ bản, khẩn trương đưa tiền vào nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cũng tại phiên họp này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Kho bạc Nhà nước chỉ nên duy trì khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng vốn TPCP đã huy động được để gối đầu, còn lại phải sớm giải ngân ngay từ đầu năm.

Một điều kiện khá thuận lợi để tăng tốc giải ngân vốn TPCP là đầu tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua kế hoạch bố trí vốn TPCP bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành trong 2 năm 2014-2015 nhưng chưa bố trí đủ vốn.

Theo đó, sau khi rà soát kỹ, sẽ bổ sung 18.000 tỷ đồng vốn TPCP cho 82 dự án đầu tư bằng nguồn vốn này. Thông thường, việc chậm giải ngân vốn TPCP có nguyên nhân do các dự án bị vướng giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu yếu kém hoặc bản thân dự án đó thực hiện chưa đúng trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản...

Nay với việc Chính phủ đã rà soát kỹ và trên thực tế đã loại bỏ 9 dự án trong diện đề nghị được bố trí bổ sung vốn TPCP (do không đủ điều kiện thực hiện ngay), việc giải ngân vốn cho các dự án được chọn chắc chắn sẽ dễ dàng hơn.

Quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, các địa phương cũng đã có văn bản bố trí bằng nguồn nào. Một nguyên tắc xử lý các dự án dở dang là không xong cái cũ không bố trí cái mới”.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng việc giải ngân một khoản vốn TPCP với khối lượng lớn trong thời gian ngắn không hề đơn giản. Muốn giải ngân đều phải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các quy trình nghiệp vụ, tiến độ thi công...

Bởi vậy, song song với việc thúc đẩy giải ngân, một số ý kiến cho rằng trong tình hình hiện nay Chính phủ nên giãn kế hoạch phát hành trái phiếu, chờ giải ngân số tiền ứ đọng trên sau đó mới tiếp tục. Cách làm này sẽ khiến các ngân hàng không thể đổ được tiền thừa vào TPCP, đồng thời buộc ngân hàng phải lo tới tăng trưởng tín dụng và tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế.