Giải pháp căn cơ

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là một cơ hội rất lớn cho nhiều ngành xuất khẩu (XK) của Việt Nam trong đó có ngành da giày. Tuy nhiên, không hẳn ngành da giày sẽ chỉ toàn thuận lợi khi tham gia vào TPP.

Giải pháp căn cơ
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khi TPP đi vào thực thi các doanh nghiệp (DN) da giày Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ… những “đối thủ” số 1 của Việt Nam tại thị trường Mỹ, Nhật… bởi các nước này không phải là thành viên TPP.

Lợi thế và cơ hội cạnh tranh

Có lẽ, lợi thế đầu tiên là sau TPP các tập đoàn sản xuất giày dép nổi tiếng của các thị trường Mỹ, Châu  Âu… sẽ di chuyển các nhà máy gia công của mình từ Trung Quốc và một số nước khác sang Việt Nam để hưởng lợi thế TPP. Bởi lẽ khi TPP có hiệu lực, các mặt hàng XK của các nươc thành viên trong đó có mặt hàng da giày sẽ được ưu đãi thuế quan, trong dài hạn thuế quan có khả năng về mức 0%.  Trong khi đó, để được hưởng ưu đãi thuế quan vào thị trường các nước thành viên TPP, các DN Việt Nam chỉ cần chứng minh được lô hàng XK của mình có xuất xứ nguyên liệu, phụ liệu như da, vải, đế giày... được sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước thành viên TPP

Theo các chuyên gia, thị trường Mỹ sẽ là “đích ngắm” chính của ngành da giày khi tham gia TPP, bởi đây là thị trường tiêu thụ khổng lồ các sản phẩm da giày, túi xách trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2012, Trung Quốc XK  vào Mỹ 1,91 tỉ đôi, chiếm 71,7% thị trường. Việt Nam đứng thứ hai sau Trung Quốc với sản lượng XK vào Mỹ 191,1 triệu đôi, chiếm 10% thị phần. Sau khi TPP hoàn tất, da giày Việt Nam có rất nhiều cơ hội để cạnh tranh với Trung Quốc bởi nước này hiện chưa tham gia đàm phán TPP.

Một nguyên nhân nữa khiến thị trường Mỹ là “đich ngắm” quan trọng của ngành da giày là vì ngoài Mỹ ra, các đối tác TPP còn lại là: Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Australia, Peru, Malaysia, Canada, Mexico, Nhật Bản, phần lớn Việt Nam đã có các hiệp định thương mại đơn phương hoặc đa phương. Riêng với ngành da giày, túi xách Việt Nam, cơ hội được đánh giá sẽ lớn hơn một số ngành khác, kể cả dệt may. Đối với sản phẩm dệt may, Mỹ đang đưa ra yêu cầu là phải có sử dụng bông sản xuất từ Mỹ hoặc từ chính nước XK. Nhưng sản phẩm da giày, túi xách sẽ dễ chịu hơn vì Mỹ không sản xuất nguyên liệu cũng như thành phẩm của ngành này.

Cẩn trọng “lợi bất cập hại”

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vấn đề về quy tắc xuất xứ hàng hóa được đặt ra trong hiệp định là cơ hội nhưng nó cũng chính là những “rào cản” cho da giày Việt Nam, nếu không có những điều chỉnh thì dễ rơi vào tình trạng “lợi bất cập hại”. Bởi lẽ, theo quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa của TPP, tất cả các sản phẩm XK từ một nước thành viên TPP sang một thành viên TPP đều phải có xuất xứ từ “nội khối”  thì mới được hưởng thuế suất 0%. Bên cạnh đó, các sản phẩm phải đạt tỉ lệ nội địa hóa từ 55% tổng giá trị trở lên, DN chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra 1 sản phẩm, kể cả chi phí gia công. Trong khi đó hiện nay, có đến 60 - 70% nguyên phụ liệu cho ngành da giày lại được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, đó là nỗi lo của các DN tự sản xuất và XK, còn với các DN gia công thì nỗi lo này sẽ bớt đi, bởi nếu chỉ làm gia công thì việc xuất xứ nguyên liệu sẽ do khách hàng đặt gia công lo. Khi TPP có hiệu lực, chắc chắn sẽ có nhiều DN nước ngoài tìm đến đặt hàng. Đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam  có thể lựa chọn khách hàng gia công, tăng thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, về lâu về dài, muốn phát triển các DN cần phải thay đổi phương thức kinh doanh chuyển từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm), đồng thời chuẩn hóa và minh bạch các hoạt động kinh doanh…

Nếu nhìn vào dài hạn, để phát triển bền vững, ngay từ bây giờ ngành da giày cần phải tìm ra các giải pháp căn cơ để chủ động được nguồn  nguyên phụ liệu trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hóa để có thể được hưởng các ưu đãi của TPP. Trong đó, xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ được xem là một giải pháp căn cơ nhât hiện nay. Bên cạnh đó, cần hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu. Chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên, phụ liệu - sản xuất - phân phối phải được hình thành trong cộng đồng các thành viên TPP.Vì vậy,  các DN không nên coi TPP như một cơ hội để phát triển trong ngắn hạn, mà quan trọng hơn là cần tận dụng tốt cơ hội này để gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển bền vững.