Giải pháp hoàn thiện công tác thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà Nước
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý ngân sách nói riêng và quản lý kinh tế - xã hội nói chung của Nhà nước. Trong thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu NSNN qua Kho bạc Nhà nước và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Bài viết này chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong thu ngân sách nhà nước, qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác thu NSNN.
Những kết quả đạt được
Triển khai thực hiện Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, công tác thu NSNN qua KBNN đã được nghiên cứu tiếp tục cải cách quy trình và giảm thiểu về thời gian và thủ tục nộp tiền cho người nộp (giảm từ 30 phút xuống còn 5 phút/giao dịch theo phương thức điện tử); đa dạng hình thức và địa điểm thu nộp NSNN như nộp tiền vào NSNN qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng Thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế, Trang thông tin dịch vụ công của KBNN, dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, góp phần tăng không gian và thời gian thu nộp NSNN (24/7).
Bên cạnh đó, KBNN đã tăng cường mở rộng công tác phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại (NHTM), góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN.
Trong bối cảnh đó, các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và của địa phương trong công tác tổ chức thu NSNN; đồng thời, tăng cường mở rộng tài khoản chuyên thu tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn. Theo đó đã tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin, số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; đối chiếu số liệu thu ngân sách với cơ quan thu được thực hiện vào cuối hàng tháng, giúp cơ quan thu quản lý tốt nguồn thu, thực hiện đôn đốc thu nhằm giảm tình trạng nợ đọng thuế, chậm nộp thuế cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách.
Tỷ lệ thu NSNN bằng tiền mặt theo phương thức nộp trực tiếp tại KBNN chỉ còn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng thu NSNN qua hệ thống KBNN và có xu hướng giảm dần qua từng năm do KBNN đã xây dựng và tổ chức triển khai thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống KBNN để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; cụ thể:
Năm |
2020 |
2021 |
2022 |
2023 |
Tỷ lệ thu NSNN bằng tiền mặt so với tổng thu NSNN qua KBNN (%) |
0,56 |
0,33 |
0,16 |
0,07 |
Nguồn: Báo cáo thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm của KBNN
Một số hạn chế cần khắc phục
Qua khảo sát thực tế tại một số KBNN địa phương, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác thu NSNN qua KBNN còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Về phối hợp thu với ngân hàng thương mại
Việc thu qua NHTM (bao gồm cả trường hợp nộp qua ứng dụng điện tử của NHTM) còn xảy ra nhiều sai sót do nhân viên ngân hàng nhập thiếu thông tin trên chứng từ hoặc hoàn thiện vào dữ liệu các cơ quan quản lý thu không mở tại KBNN, khi truyền về KBNN bị lỗi và kế toán thu KBNN phải tra soát để hoàn thiện vào thu NSNN hoặc hạch toán chuyển trả.
Một số NHTM thực hiện thu phạt vi phạm hành chính không tiến hành lập biên lai thu phạt mà nộp trực tiếp vào tài khoản thu NSNN hoặc người nộp tự thực hiện nộp phạt qua internet banking, không có sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan thu nên dễ xảy ra sai sót dẫn đến KBNN thiếu căn cứ đối chiếu với các cơ quan ra quyết định thu hoặc số liệu đối chiếu không khớp đúng với cơ quan ra quyết định thu.
Hệ thống (chương trình) thu NSNN của một số ngân hàng chưa cập nhật đầy đủ cơ quan quản lý thu (hoặc mã các Bộ chủ quản đối với các khoản thu phạt do các cơ quan trung ương thực hiện) theo đúng hướng dẫn của KBNN, dẫn đến việc không thu được hoặc sử dụng mã cơ quan quản lý thu khác để thu nên khi truyền về KBNN bị lỗi, kế toán thu KBNN phải tra soát để hoàn thiện.
Mặt khác, công tác đối chiếu, xử lý chênh lệch của một số NHTM còn chậm, chưa thật sự phối hợp tốt với KBNN nên dẫn đến việc chênh lệch số liệu giữa NHTM và KBNN kéo dài ngày.
Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt
Quy trình, thủ tục hoàn trả trong trường hợp hoàn trả các khoản thu không do cơ quan Thuế, Hải quan quản lý được quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 72/2021/TT-BTC ngày 17/8/2021 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 328/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu NSNN qua KBNN. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoàn trả (cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hoặc cơ quan cấp trên của cơ quan ra quyết định thu) có trách nhiệm kiểm tra đối chiếu hồ sơ đề nghị hoàn trả với các chứng từ nộp NSNN của khoản đã nộp trước đó (nhận bản sao chứng từ nộp tiền vào KBNN đối chiếu với bản chính), nếu phù hợp thì cơ quan quản lý thu ban hành quyết định hoàn trả và lập lệnh hoàn trả khoản thu NSNN, chuyển cho KBNN nơi đã thu NSNN để thực hiện hoàn trả cho người nộp NSNN.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP, KBNN nhận lệnh hoàn trả khoản thu NSNN hoặc lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoàn trả chuyển đến. Tuy nhiên, hiện nay theo cơ chế hiện hành, chỉ riêng về thu phạt vi phạm hành chính bao gồm 20 lĩnh vực, trong đó có 101 loại hình thu phạt vi phạm hành chính, do vậy số lượng cơ quan có thẩm quyền quyết định thu (thuế, hải quan, phí, thu phạt, thu khác...) trên toàn quốc là rất lớn chưa thống kê đầy đủ. Các cơ quan có thẩm quyền quyết định thu phạt vi phạm hành chính có thể khác địa bàn và không mở tài khoản nơi KBNN thực hiện hoàn trả, do đó KBNN không có cơ sở để xác nhận mẫu dấu, mẫu chữ ký trên lệnh hoàn trả, dẫn đến rủi ro chiếm đoạt tiền hoàn trả khoản thu NSNN.
Ngoài ra, công tác đối chiếu với các cơ quan có thẩm quyền quyết định thu phạt vi phạm hành chính cũng gặp nhiều khó khăn. Theo quy định tại Thông tư số 18/2023/TT-BTC quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, định kỳ hàng tháng, KBNN có trách nhiệm gửi cho cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt bảng kê thu tiền phạt chi tiết trong đó có tiền chậm nộp (nếu có) theo từng cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt để đối chiếu; sau khi nhận được bảng kê thu tiền phạt chi tiết do KBNN gửi, cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt có trách nhiệm đối chiếu về số liệu thu tiền phạt, theo dõi, kiểm tra việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp (nếu có) của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số KBNN địa phương, KBNN định kỳ hàng tháng gửi bảng kê thu tiền phạt chi tiết cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt để đối chiếu nhưng thường xuyên không nhận được phản hồi của các cơ quan này. Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt chưa xây dựng được chương trình đối chiếu, xác nhận định kỳ số liệu với KBNN, việc đối chiếu được thực hiện thủ công và thiếu nhiều thông tin nên công tác đối chiếu chưa thực hiện được đầy đủ.
Trong công tác hoàn trả các khoản thu NSNN, hiện nay KBNN mới triển khai hoàn trả theo phương thức điện tử với cơ quan Thuế, các cơ quan có thẩm quyền quyết định hoàn trả khác vẫn đang thực hiện hoàn trả thủ công theo phương thức trực tiếp tại KBNN.
Về chương trình ứng dụng thu ngân sách nhà nước
Chương trình ứng dụng thu ngân sách nhà nước (TCS) được triển khai từ cách đây 12 năm trên nền tảng công nghệ cũ, thiết kế cũ với mục tiêu hình thành Kho bạc điện tử nên hiện nay không thể áp dụng ngay được các công nghệ mới như AI, Bigdata cho việc phân tích số liệu, cảnh báo chứng từ điều chỉnh 2 lần, thông tin trùng nhau.... Để đáp ứng được các yêu cầu này cần phải nâng cấp, thiết kế lại hệ thống, áp dụng các công nghệ mới của cách mạng khoa học 4.0, việc này sẽ được thực hiện theo Đề án triển khai Chiến lược hình thành Kho bạc số đến năm 2030.
Hệ thống (chương trình) hoàn thuế điện tử của cơ quan Thuế chỉ chọn được 2 phương thức thanh toán: Chuyển khoản đi ngân hàng và Tiền mặt tại Kho bạc (không thể chọn các phương thức: Tiền mặt tại ngân hàng, tiền gửi tại Kho bạc hoặc chuyển khoản đi Kho bạc khác), do vậy giao dịch viên KBNN phải lập chứng từ thủ công để hoàn thiện.
Đối với hoàn thuế thu nhập cá nhân, trường hợp tỷ lệ điều tiết của năm hoàn trả khác với tỷ lệ điều tiết của năm phát sinh khoản thu, sau khi hạch toán hoàn trả trên TCS, hiện nay KBNN phải thực hiện liệt kê thủ công khoản thu theo năm phát sinh khoản thu để điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết trên TABMIS. Do lượng chứng từ hoàn thuế thu nhập cá nhân phát sinh nhiều nên việc điều chỉnh chiếm nhiều thời gian của giao dịch viên KBNN được giao nhiệm vụ thu NSNN, việc xử lý thủ công cũng có thể dẫn đến rủi ro, sai sót trong quá trình thực hiện.
Một số giải pháp
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn của KBNN về công tác thu NSNN đến người dân để nâng cao nhận thức, góp phần giúp người dân chủ động thực hiện đúng quy trình, thủ tục thu NSNN qua KBNN.
Thứ hai, tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu NSNN của KBNN tại các hệ thống NHTM. Tuy nhiên, cần phối hợp tốt hơn với các ngân hàng thương mại để truyền đầy đủ dữ liệu thu NSNN sang KBNN và thực hiện quy trình thu NSNN theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, thỏa thuận phối hợp thu và các văn bản hướng dẫn khác.
Thứ ba, phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các NHTM triển khai thu NSNN theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu truyền nhận thông tin giữa các cơ quan, tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại như thu qua QR-Code, mobile-money, ví điện tử, mobile-banking,...;
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thu NSNN; trong đó, bổ sung trách nhiệm của cơ quan lập lệnh hoàn trả khoản thu NSNN trong việc thông báo mẫu dấu chữ ký của người có thẩm quyền ra quyết định hoàn trả (dự kiến đưa vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN).
Thứ năm, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các chương trình, ứng dụng để chuyển từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử như: phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt để đối chiếu, xác nhận định kỳ số liệu với KBNN; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quyết định hoàn trả để truyền nhận Lệnh hoàn trả điện tử.
Thứ sáu, hoàn thiện và bổ sung các chức năng trên Chương trình TCS như: bổ sung chức năng hoàn thiện nhiều mã địa bàn khác nhau của các dòng chứng từ trên cùng một chứng từ thu NSNN để đáp ứng với thực tế phát sinh các khoản thu; cho phép kế toán viên KBNN hoàn thiện “Hình thức hoàn trả” dựa trên phương thức hoàn trả trên Lệnh hoàn cơ quan Thuế gửi sang; bổ sung chức năng kết xuất bảng kê các chứng từ hoàn thuế theo năm phát sinh khoản thu để làm căn cứ hạch toán điều chỉnh tỷ lệ điều tiết theo quy định.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2020), Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030;
- Bộ Tài chính (2021), Thông tư số 72/2021/TT-BTC ngày 17/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 328/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước;
- Bộ Tài chính (2023), Thông tư số18/2023/TT-BTC ngày 21/3/2023 quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.