Thuật ngữ rào cản đối với thương mại được đề cập lần đầu tiên và chính thức trong Hiệp định về hàng rào và kỹ thuật trong thương mại (TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, trong Hiệp định TBT, thuật ngữ này cũng chưa được định danh mà mới chỉ được thừa nhận như một thỏa thuận: “Không một nước nào có thể bị ngăn cản tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo cho chất lượng hàng hóa xuất khẩu của mình hoặc để bảo vệ cuộc sống hay sức khỏe con người, động vật và thực vật, bảo vệ môi trường hoặc ngăn ngừa các hoạt động man trá, ở một mức độ nước đó cho là phù hợp và phải đảm bảo rằng, các biện pháp này không được tiến hành với cách thức có thể gây ra phân biệt đối xử một cách tùy tiện hoặc không thể biện minh được giữa các nước, trong các điều kiện giống nhau hoặc tạo ra các hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế, hay nói cách khác phải phù hợp với quy định của hiệp định này”. Như vậy, có thể hiểu rào cản trong thương mại là bất kỳ biện pháp hay hành động nào gây cản trở đối với thương mại quốc tế.
Hệ thống các rào cản trong thương mại quốc tế gồm hai loại: Rào cản thuế quan và rào cản phi thuế quan. Rào cản thuế quan là loại rào cản phổ biến nhất và mang tính chất truyền thống trong thương mại quốc tế, được xác định và phân loại trên cơ sở các mức thuế áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu. Hiện nay, do loại hàng rào thuế quan có bản chất mâu thuẫn với tiến trình tự do hóa thương mại, nên loại rào cản này có xu hướng ngày càng hạn chế trong quan hệ thương mại. Vì vậy, tại các vòng đàm phán đa phương và song phương, chủ đề được các quốc gia đặt lên hàng đầu và cũng là tiêu chí để các bên có thể thống nhất với nhau là cắt, giảm dần và loại bỏ các loại rào cản thuế quan.
Rào cản phi thuế quan bao gồm nhiều loại khác nhau, ví dụ như các biện pháp cấm, hạn ngạch về số lượng, giá trị được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu trong một thời kỳ nhất đinh; Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); Các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động thực vật (SPS); Các quy định về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, bảo vệ môi trường; Các quy định chuyên ngành về điều kiện sản xuất, thử nghiệm, lưu thông và phân phối các sản phẩm…
Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguồn gốc từ Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương - một Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày 03/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước là Singapore, Chile, New Zealand và Brunei (còn gọi là P4). Trải qua quá trình đàm phán, hiện đã có 12 nước tham gia. Tất cả 12 nước đều là thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đóng góp gần 40% tổng sản phẩm quốc nội GDP của toàn thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Giống như các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác, Hiệp định TPP cũng yêu cầu mức độ cam kết mở cửa sâu rộng, cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do.
Tuy nhiên, Hiệp định TPP được kỳ vọng là một “FTA của thế kỷ XXI” với phạm vi điều chỉnh rộng hơn, xu hướng đàm phán tự do mạnh mẽ hơn các FTA hiện nay. Bên cạnh việc cam kết sẽ cắt giảm hầu hết các dòng thuế (ít nhất 90%), thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn còn có các cam kết sâu hơn về thỏa thuận TBT, các biện pháp về kiểm dịch động thực vật, môi trường, lao động và đầu tư… sẽ ảnh hưởng đáng kế đến hàng hóa xuất khẩu của nước thành viên có trình độ phát triển thấp hơn, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt, không giống như các hiệp định khác, TPP hướng tới một sân chơi bình đẳng và không có cơ chế đặc biệt cho các nền kinh tế ở trình độ phát triển khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc, cho dù là một nền kinh tế chậm phát triển nhất trong số các nước tham gia TPP, Việt Nam không có bất kỳ ưu đãi hay ngoại lệ nào khi tham gia TPP như khi Việt Nam đàm pháp gia nhập WTO. Do vậy, nếu không có sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng cả ở khâu đàm phán cũng như tổ chức thực hiện sau khi ký kết Hiệp định thì Việt Nam khó tận dụng được hết các lợi ích có được từ việc cắt giảm thuế quan và tiếp cận thị trường các nước thành viên; Khó đáp ứng và vượt qua các rào cản phi thuế quan như những rào cản dưới dạng quy định về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, sở hữu trí tuệ…
Về xuất xứ hàng hóa: Để được hưởng ưu đãi về thuế trong TPP, các sản phẩm xuất khẩu của các nước thành viên phải có xuất xứ từ các nước thành viên trong khối. Đây là vấn đề đang đặt ra cho các ngành công nghiệp sản xuất xuất khẩu, gia công hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ… Các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam cần xây dựng định hướng cả trước mắt cũng như lâu dài đối với nguồn nguyên liệu để gia công hàng xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu, kể cả nguyên vật liệu nội địa cũng như nguyên vật liệu nhập khẩu, bởi hiện nay đa phần nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho dệt may và da giày xuất khẩu là từ các nước không phải là thành viên của TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Dệt may và da giày lại là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm kim ngạch lớn trong tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam, cho nên việc chuyển đổi vùng nhập khẩu nguyên liệu là điều không đơn giản đối với các DN của Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu cần có một lộ trình thực hiện hợp lý đối với Việt Nam để các DN Việt Nam có thể thích ứng, vừa đảm bảo hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan nhưng vẫn đảm bảo quy định về xuất xứ theo quy định của TPP, không gây cản trở cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Về sở hữu trí tuệ: Sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và triển vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó, có các nội dung liên quan đến đối tượng sở hữu trí tuệ, bao gồm nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả và các quyền liên quan, bằng sáng chế... Ví dụ, đối với hàng nông sản, các yêu cầu về nâng cao mức bảo hộ bản quyền sáng chế đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (hóa chất nông nghiệp), thuốc thú y… làm cho giá thành sản phẩm đắt lên, dẫn đến chi phí sản xuất càng lớn, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam vì thế sẽ càng giảm.
TPP hướng tới một sân chơi bình đẳng và không có cơ chế đặc biệt cho các nền kinh tế ở trình độ phát triển khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc, cho dù là một nền kinh tế chậm phát triển nhất trong số các nước tham gia TPP, Việt Nam không có bất kỳ ưu đãi hay ngoại lệ nào khi tham gia TPP như khi Việt Nam đàm pháp gia nhập WTO.
Như vậy, nông sản Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thâm nhập thị trường xuất khẩu các nước thành viên TPP. Hay việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý (các loại tên gọi sản vật gắn với khu vực địa lý đặc trưng) như bảo hộ thương hiệu, cho phép một cá nhân được quyền đăng ký tên gọi đó cho riêng mình và nếu đã có người đăng ký thì những người khác không được sử dụng tên gọi đó cho sản phẩm của mình nữa hoặc nếu muốn sử dụng thì phải trả tiền cho “chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đã đăng ký”.
Trong điều kiện nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục xem xét chỉ nên chấp nhận các quy định về sở hữu trí tuệ linh hoạt theo Hiệp định về các khía cạnh thương mại của sở hữu trí tuệ (TRIPS) hoặc các quy định mức bảo hộ thấp hơn so với mức bảo hộ cao như TRIPS+ đang đàm phán trong TPP, quy định lộ trình áp dụng quy định bảo hộ cao với các nước phát triển và mức độ thấp hơn với các nước đang phát triển. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam rất nhiều trong việc thực thi các cam kết về sở hữu trí tuệ, khi Hiệp định TPP được ký kết.
Về các tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS): Nhằm nâng cao sức khỏe cây trồng và vật nuôi cũng như chất lượng an toàn thực phẩm, các nước thành viên nhất trí tăng cường và phát triển nội dung này dựa trên các quyền và nghĩa vụ hiện tại của các bên theo Hiệp định SPS của WTO. Trong đó, bao gồm một loạt các cam kết mới về cơ sở khoa học, minh bạch hóa, khu vực hóa, hợp tác và công nhận lẫn nhau.
Ngoài ra, các bên đàm phán cũng đã nhất trí xem xét một loạt các đề xuất hợp tác song phương và đa phương mới, trong đó có các biện pháp kiểm tra và chứng nhận nhập khẩu. Hình thức của các biện pháp SPS rất đa dạng như: yêu cầu về chất lượng, về bao bì, về quy trình đóng gói, phương tiện và cách thức vận chuyển động thực vật, kiểm dịch, phương pháp lấy mẫu, thống kê… Do vậy, DN Việt Nam cần nắm chắc các nguyên tắc và điều kiện thực hiện các biện pháp SPS; Thường xuyên cập nhật tình hình để tránh việc bị các nước thành viên lạm dụng các biện pháp này gây cản trở bất hợp lý đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, thủy hải sản - ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Đồng thời, chủ động có biện pháp tuân thủ thích hợp, tránh việc hàng hoá không được thông quan vì các lý do vệ sinh dịch tễ, gây thiệt hại về uy tín cho DN nói riêng và Việt nam nói chung.
Về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT): Hiệp định sẽ củng cố và phát triển các quyền và nghĩa vụ đã quy định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại của WTO nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa các nước TPP, giúp các nhà quản lý trong việc bảo vệ sức khỏe, an toàn, bảo vệ môi trường và đạt được các mục tiêu chính sách chính đáng khác. Trong đó, bao gồm các cam kết về lộ trình thực hiện, các thủ tục đánh giá sự phù hợp, các tiêu chuẩn quốc tế, cơ chế thể chế và minh bạch hóa.
Việt Nam cần hết sức lưu ý vấn đề này cả trong đàm phán và tổ chức thực hiện sau khi Hiệp định có hiệu lực, bởi vì một khi thuế quan được thỏa thuận cắt giảm sâu và với lộ trình ngắn thì các nước nhập khẩu thành viên thường đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật cao, khắt khe hơn đối với hàng hoá nhập khẩu với lập luận là bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng thực chất, lại là một loại rào cản thương mại, bởi do quyền áp dụng các rào cản kỹ thuật kể trên vẫn nằm trong tay nước nhập khẩu và các nước phát triển trong TPP không có ý định hạn chế quyền hạn này. Vì vậy, để tiếp cận tốt thị trường các nước thành viên TPP, đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước này, DN Việt Nam cần phải đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị và chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.
Giải pháp vượt qua các thách thức
Để tận dụng tối đa cơ hội mà TPP đem lại trong việc cắt giảm thuế quan, tiếp cận thị trường… Việt Nam cần phải vượt qua các thách thức về hàng rào phi thuế quan. Cụ thể gồm:
Đối với các cơ quan chức năng của chính phủ:
- Đánh giá tất cả các yếu tố, ảnh hưởng của TPP đến nền kinh tế Việt Nam, từ đó lấy ý kiến các cơ quan liên quan, các hiệp hội DN để đề xuất phương án đàm phán hiệu quả vì lợi ích chung của quốc gia.
- Tăng cường thông tin, phổ biến pháp luật, chính sách thương mại của các nước TPP để DN kịp thời nắm bắt, chủ động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về tiêu chí kỹ thuật, vệ sinh kiểm dịch, về môi trường, an toàn sức khỏe người tiêu dùng… của nước nhập khẩu.
- Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho các DN, nhất là DN vừa và nhỏ trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường trang thiết bị, kỹ thuật mới, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế… để nâng cao sức cạnh tranh.
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa…
Đối với các DN:
- Chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của DN và hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên TPP; Đồng thời, triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường.
- Tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng định hướng dài hạn cho việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Đặc biệt, cần vượt qua các điều kiện chặt chẽ về chứng minh xuất xứ nguyên liệu, phụ liệu được sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước thành viên TPP; Tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành và giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài; Tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đầu tư vào các vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ cho gia công, sản xuất xuất khẩu nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu về quy định xuất xứ trong TPP, tận dụng được được lợi ích từ việc giảm thuế trong TPP và vượt qua các rào cản trong thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, DN cần đổi mới phương thức hoạt động, thường xuyên theo dõi, phân tích diễn biến tình hình thị trường, dự báo những thách thức và rào cản thương mại có thể phát sinh để có kế hoạch và biện pháp ứng phó kịp thời, tránh thiệt hai cho DN.
Tóm lại, để có thể tận dụng các lợi ích từ việc giảm thuế trong TPP, Việt Nam cần quan tâm xem xét đến tất cả các yếu tố khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu như những quy định về xuất xứ, sở hữu trí tuệ, rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ… ngay trong quá trình đàm phán cũng như thực hiện sau khi ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định TPP.
Giải pháp nâng cao khả năng vượt qua các rào cản phi thuế quan
(Tài chính) Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng là một “Hiệp định thương mại tự do của thế kỷ XXI”. Việc cam kết cắt giảm hầu hết các dòng thuế sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hàng hóa xuất khẩu của nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Từ những thách thức và rào cản thực tế, bài viết đề xuất giải pháp giúp Việt Nam nâng cao khả năng vượt qua những rào cản thương mại quốc tế, nhất là về rào cản phi thuế quan.
Xem thêm