Về thị phần bảo hiểm xe cơ giới
Đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) hàng đầu, chiếm tỷ trọng lớn vẫn là Bảo Việt, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Bảo Minh và Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) chiếm tới 62% thị phần doanh thu bảo hiểm gốc.
Trong các nghiệp vụ bảo hiểm chính được các DNBH coi trọng và tập trung khái thác phải kể đến bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, đây vẫn là những sản phẩm truyền thống, chiếm tỷ trọng chính (71,3% tổng doanh thu trên toàn thị trường).
Có thể thấy, bảo hiểm xe cơ giới luôn dẫn đầu doanh thu phí bảo hiểm trong những năm gần đây. Nhằm hỗ trợ tích cực cho công tác khai thác nghiệp vụ bảo hiểm này và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, các DNBH đã luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng công tác giám định bồi thường, đặc biệt là đội ngũ giám định viên luôn được quan tâm, bồi dưỡng theo sát yêu cầu của tình hình thực tế.
Tuy nhiên, hành vi trục lợi bảo hiểm xe cơ giới đang diễn biến ngày càng phức tạp và gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội và cộng đồng các DNBH. Theo thống kê của các DNBH, năm 2008, tổng số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới mới chỉ hơn 150 tỷ đồng, nhưng năm 2013, con số này đã tăng hơn 300 tỷ đồng.
Tình trạng gian lận bảo hiểm xe cơ giới
Với số lượng xe ô tô và mô tô đăng ký mới tại Việt Nam gia tăng qua các năm, cùng với việc quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm vật chất cho phương tiện tham gia giao thông là những lý giải cho doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tăng cao. Tuy nhiên, cùng với sự “nóng” lên về doanh thu và số người tham gia bảo hiểm xe cơ giới thì đây cũng là lĩnh vực xảy ra gian lận nhiều nhất, diễn ra thường xuyên, ở nhiều mức độ khác nhau.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2012, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 6.329 tỷ đồng tăng trưởng 1,59%, đã giải quyết bồi thường 3.382 tỷ đồng, tỷ lệ đã trả bồi thường 53%; Trong năm 2013, doanh thu là 6.854 tỷ đồng và tỷ lệ đã trả bồi thường trong khoảng 51% giảm so với năm 2012 (Do số vụ tai nạn giao thông trong năm 2013 giảm so với năm 2012). Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong giai đoạn từ 2007- 2011, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm tại thị trường Việt Nam bị phát hiện là 44.704 vụ, với tổng số tiền là hơn 410 tỷ đồng. Trong đó, bảo hiểm xe cơ giới và con người là 2 lĩnh vực có số vụ trục lợi bảo hiểm nhiều nhất và phức tạp nhất. Nguyên nhân là do có số đông người tham gia bảo hiểm và có nhiều hồ sơ yêu cầu bồi thường nhất khiến các DNBH khó tổ chức giám định chính xác nguyên nhân và mức độ thiệt hại của các hồ sơ yêu cầu bồi thường hoặc chi trả.
Bên cạnh đó, hành vi trục lợi bảo hiểm xảy ra nhiều là do quy định về thời gian thanh toán tiền bảo hiểm, các DNBH không đủ thời gian để giám định, kiểm tra tính xác thực của những hồ sơ yêu cầu bồi thường hoặc chi trả. Ngoài ra, do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, khó khăn về địa lý, các mức chế tài hoặc hình phạt đối với hành vi trục lợi chưa cao, đồng thời thiếu sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý của các bên liên quan nên dẫn tới nảy sinh hành vi trục lợi bảo hiểm xe cơ giới. Mặc dù, hầu hết các DNBH đã ban hành nhiều quy trình, hướng dẫn công tác giám định khá chi tiết, nhưng trong quá trình thực hiện thực tế thì cũng có những DN, một số bộ phận và giám định viên thực hiện chưa tốt những quy trình này và các văn bản hướng dẫn chưa thực sự được triển khai đồng bộ và đúng yêu cầu. Thêm vào đó, do mạng lưới Công ty thành viên, Phòng giao dịch còn mỏng, chưa phủ kín trên nhiều địa bàn, nên nhiều khi khách hàng gặp rủi ro thì giám định viên của DNBH không thể tiếp cận ngay hiện trường được, dẫn đến tình trạng có những vụ tổn thất khi giám định viên đến thì hiện trường đã không còn nguyên vẹn.
Một số hình thức gian lận
Các hành vi gian lận trong bảo hiểm xe cơ giới có thể khái quát theo sơ đồ sau:
Thứ nhất, hành vi gian lận khi khai báo không chính xác thông tin, thuật ngữ thông tin bất cân xứng giữa người mua bảo hiểm và DNBH. Người mua bảo hiểm luôn có xu hướng cung cấp thông tín theo hướng có lợi cho mình, với mức phí bảo hiểm thấp nhưng khi có sự cố thì lại được hưởng mức chi trả cao. Ví dụ điển hình về cung cấp thông tin không chính xác như: khai sai về tình trạng của phương tiện, người điều khiển phương tiện. Nguyên tắc bảo hiểm của các DNBH luôn từ chối bồi thường nếu xe chở quá tải trọng cho phép. Điều này dẫn đến hệ lụy là khách hàng đối phó bằng cách cho lái xe luôn cầm theo 02 phiếu vận chuyển, một để trình công an, bảo hiểm khi có kiểm tra, tai nạn và một trình cho nơi giao hàng.
Thứ hai, khai tăng giá trị bồi thường. Hành vi trục lợi này rất phổ biến và mang tính cơ hội nhằm làm tăng thêm phần được bồi thường từ DNBH cho các phương tiện gặp rủi ro. Hành vi gian lận này còn phát sinh trong việc khai vượt mức độ thương tật, đối với các chấn thương liên quan đến tai nạn giao thông.
Thứ ba, dàn dựng tại nạn giả và hiện trường giả. Đây là hành vi trục lợi bảo hiểm có tổ chức của người mua bảo hiểm. Đối với hành động gian lận này có thể coi là lừa đảo có tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản của DNBH.
Thứ tư, gian lận trong nội bộ DNBH. Đây là hành vi cấu kết giữa nhân viên DNBH với người mua bảo hiểm nhằm trục lợi bảo hiểm. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy khoảng hơn 30% số lượng các vụ gian lận bảo hiểm có sự hợp tác của nhân viện bảo hiểm, chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân: Do mối quan hệ lâu dài giữa hai bên, nhân viên bảo hiểm không muốn mất khách hàng lớn, do đó, buộc phải thực hiện theo mong muốn của khách hàng; hoặc Nhân viên bảo hiểm có thể bị hấp dẫn bởi các cám dỗ vật chất đã liên kết với khách hàng nhằm trục lợi bảo hiểm.
Trong khi các hành vi gian lận trong trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi, thì các quy định hiện hành về phòng chống trục lợi trong bảo hiểm và chế tài xử lý các hành vi trục lợi bảo hiểm ở nước ta còn quá thiếu. Về mức xử phạt hành chính hành vi trục lợi bảo hiểm hiện vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe, bên cạnh đó tại Bộ luật Hình sự chưa có điều luật nào quy định cụ thể về tội trục lợi bảo hiểm. Đối tượng trục lợi bảo hiểm chỉ bị xử với các tội danh liên quan như tham ô, hối lộ, chiếm đoạt tài sản... Chính vì hành lang pháp lý chưa đầy đủ nên nhiều vụ trục lợi bảo hiểm chưa được điều tra và xét xử nghiêm khắc, và cũng chính vì vậy không có tính răn đe.
Các giải pháp nhằm hạn chế trục lợi bảo hiểm xe cơ giới
Để hạn chế hiện tượng gian lận nhằm trục lợi trong bảo hiểm xe cơ giới, các DNBH trên thế giới đã thay đổi từ việc thay vì tập trung phát hiện sai phạm ở khâu bồi thường sang tất cả các khâu của chu trình cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Việc hạn chế trục lợi bảo hiểm xe cơ giới sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho các DNBH nói riêng và toàn xã hội nói chung. Nhằm phòng tránh trục lợi bảo hiểm xe cơ giới một cách có hiệu quả, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cho rằng cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể:
- Xây dựng chiến lược ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm toàn diện;
- Dựa trên mô hình Balance scorecard (thẻ điểm cân bằng) xây dựng phương pháp đánh giá đa chiều cho một hợp đồng bảo hiểm;
Các biện pháp ngăn ngừa có thể tiến hành ngay từ những bước đầu tiên, khi khách hàng đưa thông tin vào hợp đồng bảo hiểm, sẽ là không hợp lý khi một chiếc xe có giá trị thấp trên thị trường lại mua một mức bảo hiểm đền bù rất cao, thì cảnh bảo trong hệ thống sẽ phải được đưa ra để nhân viên bảo hiểm chú ý đến hợp đồng bảo hiểm này. Các dữ liệu được lưu trữ trong hệ thống sẽ giúp tăng hiệu quả của việc xác định gian lận từ phía các DNBH. Cơ sở dữ liệu thống nhất các hành vi gian lận sẽ cho phép các DNBH tích hợp thêm dữ liệu nội bộ bổ sung và dữ liệu từ bên ngoài, như ghi nhận những hành động gian lận bị nghi ngờ trước đây và “hành vi cần theo dõi” của ngành bảo hiểm. Hiện nay, một xu hướng chung được các DNBH trên thế giới sử dụng công nghệ Telematics (hệ thống tích hợp giữa viễn thông và công nghệ thông tin để kết nối xe cơ giới với hệ thống thông tin), giúp giám sát hành vi của lái xe, qua đó tăng thêm cơ hội hạn chế gian lận trong trục lợi bảo hiểm.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giám định viên
Đề đảm bảo thực hiện được các cơ bản của công tác giám định bồi thường, các DNBH cần xem xét và bổ sung một số quy định, hướng dẫn để công tác giám định ngày một hoàn thiện hơn. Có thể triển khai một số giải pháp sau:
- Khi giám định viên có mặt tại hiện trường. Thiết lập đường dây nóng, thành lập bộ phận trực giải quyết tai nạn 24/24h hoặc tổng đài chăm sóc khách hàng;
- Cần có sự phối hợp, ký cam kết, thỏa thuận hợp tác với các cơ quan chức năng: cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương... để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa DNBH và các cơ quan chức năng khi có rủi ro của Chủ xe xảy ra thì giám định viên sẽ nhận được hỗ trợ tối đa từ các bộ phận đó;
- Chuẩn hóa trình độ chuyên môn của đội ngũ giám định viên: thường xuyên gửi cán bộ đi học củng cố, nâng cao kiến thức chuyên môn; Tuyên truyền nâng cao ý thức cho giám định viên bởi quyết định của họ có ảnh hưởng lớn đến số tiền bồi thường. Bên cạnh đó, cần đặc biệt nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khai thác bảo hiểm xe cơ giới nói chung và với bảo hiểm vật chất xe cơ giới nói riêng;
- Chuyên môn hóa nghiệp vụ giám định bồi thường: Tổ chức những khóa đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ giám định bồi thường và những kỹ năng nghề nghiệp cho giám định viên. Ngoài đào tạo nội bộ, DNBH nên đầu tư bằng cách mời các chuyên gia đến từ các tổ chức, công ty giám định có uy tín trong và ngoài nước đến giảng dạy cho giám định viên.
Tài liệu tham khảo:
1. David Bland, Bảo hiểm nguyên tắc và thực hành, NXB Tài chính;
2. Chuyên đề bảo hiểm xe cơ giới - Dự án Trung tâm đào tạo Bảo hiểm Việt Nam (Hà Nội, 2008);
3. Các website: www.avi.org.vn, www.mof.gov.vn.
Giải pháp ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm vật chất
(Tài chính) Trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay, bảo hiểm xe cơ giới luôn là một trong những mảng kinh doanh có doanh thu phí bảo hiểm cao cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, mảng thị trường này cũng đã làm đâu đầu các công ty bảo hiểm bởi trục lợi bảo hiểm diễn ra ngày càng phức tạp, do pháp luật chưa có chế tài đủ sức răn đe các đối tượng trục lợi bảo hiểm xe cơ giới…
Xem thêm