Chính sách tài chính và khuôn khổ pháp lý đối với khu kinh tế cửa khẩu
Từ năm 1996, Chính phủ bắt đầu tiến hành thí điểm xây dựng Khu kinh tế Móng Cái thông qua việc phê duyệt một số cơ chế ưu đãi cho khu kinh tế này. Hai năm sau, Chính phủ đã tiến hành thí điểm ở quy mô rộng rãi hơn với việc phê duyệt chính sách ưu đãi cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu Thương mại Lao Bảo. Đây là lần đầu tiên, thuật ngữ “khu kinh tế cửa khẩu” được sử dụng một cách chính thức.
Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu biên giới, đồng thời Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành chính sách tài chính áp dụng cho các khu kinh tế cửa khẩu biên giới. Tháng 10/2005, Chính phủ chính thức cho phép thành lập khu bảo thuế trong khu kinh tế cửa khẩu, cam kết sẽ hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong công tác phát triển cơ sở hạ tầng của khu kinh tế cửa khẩu. Đầu năm 2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 30 khu kinh tế cửa khẩu. Các khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai, Đồng Đăng-Lạng Sơn, Lao Bảo, Cầu Treo, Bờ Y, Mộc Bài, An Giang và Đồng Tháp được quan tâm xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, mô hình tổ chức quản lý, cơ chế, chính sách.
Ngày 02/3/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg về việc ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu. Theo đó, bên cạnh các quy định về chính sách tính dụng, đầu tư, Quyết định này còn quy định chi tiết về những ưu đãi trong chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu như: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước; Ưu đãi về thu tiền sử dụng đất; Chính sách về phí, lệ phí… Trong đó, có rất nhiều quy định được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như: Hàng hoá, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu; Hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu và hàng hoá, dịch vụ từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu xuất ra nước ngoài thuộc diện không chịu thuế GTGT; Hàng hóa, dịch vụ từ các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu và hàng hoá, dịch vụ từ nội địa Việt Nam đưa vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu đuợc áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 0%; Hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu xuất khẩu ra nước ngoài không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt....
Tháng 02/2012, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 470/NQ-UBTVQH13 nhấn mạnh việc hình thành và xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng kinh tế, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại. Ngày 30/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1531/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, đồng thời thay thế Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008. Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam nhằm lấy hiệu quả và lợi ích chung của quốc gia làm yêu cầu cao nhất và là tiêu chí quan trọng để rà soát quy hoạch, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, tính toán đầy đủ ảnh hưởng của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Quyết định số 1531/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu tại các khu vực biên giới theo hướng hiện đại, đồng bộ, trở thành các vùng kinh tế động lực của từng tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia...
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư vào các khu vực cửa khẩu quốc tế, ngày 26/11/2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 72/QĐ-TTg về quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu, trong đó quy định rõ chính sách đầu tư và tín dụng cũng như các chính sách thuế, lệ phí và chính sách tài chính khác. Cụ thể hóa chính sách này, ngày 15/8/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg. Theo đó, từ ngày 1/10/2014, về thuế GTGT, Thông tư 109/2014/TT-BTC quy định các mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT tại các khu kinh tế cửa khẩu gồm: Hàng hóa, dịch vụ từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu xuất khẩu ra nước ngoài thuộc các đối tượng: Hàng hóa, dịch vụ sản xuất và được tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu; Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa các khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu với nhau; Hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào và được tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, trừ hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu theo quy định... Riêng đối với hàng hóa, dịch vụ từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu đưa vào tiêu thụ tại các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu hoặc đưa vào tiêu thụ trong nội địa Việt Nam phải chịu thuế GTGT theo quy định của pháp luật. Về thuế tiêu thụ đặc biệt, các mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: Hàng hóa từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu xuất khẩu ra nước ngoài; Hàng hóa sản xuất và được tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu…
Để khai thác hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu
Với hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, phí, sử dụng đất, sau hơn 15 năm kể từ khi thành lập khu kinh tế cửa khẩu đầu tiên, hầu hết các tỉnh có biên giới đất liền (21/25 tỉnh) đã thành lập khu kinh tế cửa khẩu. Đến nay, trên toàn quốc có 28 khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích hơn 600.000 ha, thu hút được khoảng gần 70 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn hơn 700 triệu USD và khoảng 500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 40.000 tỷ đồng. Riêng khu cửa khẩu kinh tế Cha Lo (Quảng Bình) kể từ khi thành lập và chính sách ưu đãi theo Quyết định số 137/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ đã có những đóng góp đáng kể cho ngân sách và kinh tế tỉnh Quảng Bình. Theo đó, năm 2005 mới có 3.541 lượt phương tiện xuất nhập cảnh và chỉ đóng góp cho ngân sách nhà nước (NSNN) được 7 tỷ đồng thì đến năm 2011 lượng phương tiện tăng đáng kể là 65.308 lượt và đóng góp cho ngân sách là 161,9 tỷ đồng, tăng gần 23 lần. Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất, nhập khẩu tại khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo đạt hơn 447 triệu USD thì đến năm 2013, tổng kim ngạch đã đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng 260% so với năm 2012. Riêng 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt gần 1 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013…
Đối với khu vực miền Trung, thời gian qua, với sự xuất hiện của các khu kinh tế cửa khẩu, tạo sức hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp to lớn vào NSNN nói riêng và kinh tế xã hội nói chung. Đối với tỉnh nghèo như Quảng Bình, phát triển khu kinh tế cửa khẩu là hướng đi đúng đắn, mang lại mức tăng trưởng cao và vững chắc cho nền kinh tế địa phương, tạo động lực tăng trưởng cho cả khu vực miền Trung và cả nước. Theo chiến lược đề ra, từ nay đến năm 2020, Quảng Bình sẽ tập trung xây dựng và phát triển 2 khu kinh tế là Hòn La và Cha Lo, cụ thể:
- Đối với Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo: Ngày 21/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 283/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo đến năm 2030.
Đây là khu kinh tế tổng hợp bao gồm: Khu phi thuế quan và khu thuế quan. Khu thuế quan có các khu chức năng như: Khu công nghiệp, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch - dịch vụ, khu hành chính. Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch phát triển và quy hoạch chung khu kinh tế Hòn La đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong khi đó, khu phi thuế quan gắn với một phần cảng Hòn La. Hoạt động của khu phi thuế quan bao gồm các loại hình sản xuất, kinh doanh chủ yếu như: Trung chuyển hàng hoá, tiếp nhận, chuyển tải, vận chuyển hàng hoá từ trong nước ra nước ngoài và ngược lại; Sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu…
- Đối với khu kinh tế cửa khẩu Hòn La: Ngày 10/6/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 79/2008/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Hòn La nhằm góp phần tạo ra bước đột phá về phát triển kinh tế của khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ nói chung và của tỉnh Quảng Bình nói riêng. Việc xây dựng Khu kinh tế Hòn La tại Quảng Bình giúp khai thác lợi thế tiềm năng tự nhiên của các cảng biển, dịch vụ cảng biển cũng như các hoạt động kinh tế biển, tạo ảnh hưởng cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ. Đây là khu vực rất thuận lợi để xây dựng cảng nước sâu, trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh, trung tâm thương mại - tài chính, khu du lịch quốc tế… Đề án Quy hoạch chung Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 cũng đã xác lập rõ tính chất, quy mô và loại hình phát triển, quy hoạch tổ chức không gian lãnh thổ đáp ứng được các nhu cầu phát triển trước mắt cũng như lâu dài của các ngành kinh tế, bảo vệ được môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và phát triển một cách bền vững trong khu vực...
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, đặc biệt nhằm khai thác và phát huy tiềm năng của 2 khu kinh tế này, trong thời gian tới, cần chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Một là, UBND tỉnh Quảng Bình cần xây dựng các chương trình hành động, các kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục tiêu xây dựng khu kinh tế. Đồng thời, triển khai song song công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và công tác lập dự án xây dựng, thu hút đầu tư các hạng mục ưu tiên trong phạm vi khu kinh tế theo quy hoạch.
Hai là, UBND tỉnh Quảng Bình, các ban, ngành thống nhất và tập trung chỉ đạo việc thực hiện đề án phát triển khu kinh tế. Đặc biệt, cần tập trung xây dựng những dự án hạ tầng giao thông liên vùng để kết nối khu kinh tế đến các hàng lang phát triển khu vực và ra cảng Hòn La.
Ba là, UBND tỉnh Quảng Bình và các bộ, ngành cần đẩy mạnh xúc tiến công tác hợp tác phát triển với khu vực Khăm Muộn nói riêng, CHDCND Lào nói chung nhằm xây dựng hệ thống giao thông liên quốc gia Việt – Lào; Xây dựng khu vực phát triển phía cửa khẩu Na Phàu nhằm hoàn chỉnh mô hình phát triển khu kinh tế cửa khẩu biên giới, đảm bảo tình hữu nghị lâu dài giữa hai quốc gia.
Bốn là, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa khu kinh tế Hòn La vào hoạt động có hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Bình cần đề nghị Chính phủ cân đối, bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm để xây dựng hệ thống giao thông đối ngoại kết nối khu kinh tế Hòn La với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Khu du lịch Phong Nha - Kẽ Bàng; Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng quan trọng cần thiết đảm bảo cho sự hoạt động của khu kinh tế Hòn La; Đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư theo quy hoạch xây dựng…
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 470/NQ-UBTVQH13 về việc hình thành và xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu;
2. Quyết định 72/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu;
3. Quyết định số 1531/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”;
4. Thông tư số 109/2014/TT-BTC ngày 15/8/2014 Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg;
5. Quyết định số 137/2002/QĐ- TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và áp dụng chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình);
6. Quyết định số 79/2008/QĐ-TTg ngày 10/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình);
7. Nguồn dữ liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình.
Giải pháp phát triển khu kinh tế cửa khẩu: Một số kiến nghị
(Tài chính) Thời gian qua, các khu kinh tế cửa khẩu không chỉ là động lực quan trọng phát triển địa phương mà còn là nền tảng phát triển kinh tế quốc gia. Về khung khổ pháp lý và các chính sách ưu đãi như thuế, phí, vốn… đã được kiện toàn và là cơ hội để các địa phương tạo bước đột phá từ các khu kinh tế cửa khẩu này, tuy nhiên để khai thác hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu cũng còn không ít vấn đề đặt ra cần phải giải quyết.
Xem thêm